Bất cập từ việc dự trữ xăng dầu quốc gia được giao cho doanh nghiệp

(16/03/2022)

“Khi kiểm tra các đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương có làm rõ được việc có dự trữ quốc gia, dự trữ lưu thông xăng dầu không? Có lẫn lộn trong việc dự trữ này không? Chủ trương đấu giá 100 triệu lít xăng dầu dự trữ quốc gia như thế nào?”. Đây là câu hỏi được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và nhiều đại biểu Quốc hội nêu trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sáng 16/3/2022.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đặt câu hỏi về thông tin chủ trương đấu giá 100 triệu lít xăng dầu dự trữ quốc gia này như thế nào, khi đấu giá rồi thì phải có nguồn bù vào. “Không được để mất nguồn cung xăng dầu”, đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội chất vấn về dự trữ xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Về quy định dự trữ quốc gia, chúng ta bây giờ có đủ lượng dự trữ từ 5-7 ngày, với lượng tiêu thụ mỗi tháng từ 1,8 - 1,9 triệu m3.

“Hiện quốc gia chưa có hệ thống kho dự trữ riêng mà giao việc dự trữ này cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu mối. Đây là cơ chế rõ ràng chúng tôi thấy bất hợp lý”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Bộ Công Thương đã và đang có lộ trình để trình cấp có thẩm quyền xem xét thiết kế lại mô hình quản lý quỹ dự trữ này, đồng thời xem xét có thể đề xuất mức dự trữ cao hơn nữa để tránh khi bất trắc, có thể dự trữ được một vài tháng. “Chúng tôi rất đồng tình với gợi ý của Chủ tịch Quốc hội. Nhờ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, chắc chắn đề xuất sau này của Bộ Công Thương sẽ được xem xét thuận lợi hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, các doanh nghiệp đầu mối có thực hiện dự trữ bắt buộc của mình hay không, trong khi cũng là xăng dầu ấy, cũng để ở kho ấy thì đây thực sự là một “ẩn số”. “Chúng tôi nghĩ nếu sớm có cơ chế tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp phân phối thì chắc chắn sẽ tốt", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội và sẵn sàng đề xuất để có cơ chế tách bạch dự trữ quốc gia bằng các tổng kho do nhà nước quản lý với dự trữ của doanh nghiệp bằng các kho do doanh nghiệp quản lý. “Khi đó việc kiểm tra, kiểm soát việc vận hành xăng dầu mới tốt. Đúng như các đại biểu nêu, trong hoàn cảnh thế giới có nhiều biến động, chúng ta cần nghĩ tới việc dự trữ nhiều hơn bằng sản phẩm thì lúc khó mới có mà dùng”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc đấu giá 100 triệu lít dầu, Bộ Công Thương được giao chuyển đổi nguồn dự trữ từ xăng RON 92 sang xăng RON 95. Việc đấu giá thực chất là chuyển đổi nguồn xăng thông dụng hơn, khi bán đấu giá minh bạch có sự giám sát của các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, đặc biệt là có sự giám sát của Chính phủ…

Thông tin thêm về vấn đề dự trữ xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Dự trữ xăng dầu quốc gia đến nay chúng ta chưa tách bạch được nên trong số 33 thương nhân đầu mối xăng dầu cần phải được khắc phục. “Cần tách nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia và dự trữ của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời trước Quốc hội.

 

Nguồn: Báo Tin tức Thông tấn xã Việt Nam



Các tin đã đưa ngày: