Định mức kinh kế - kỹ thuật, định mức chi phí trong quản lý hàng dự trữ quốc gia: Còn bất cập cần tiếp tục hoàn thiện

(29/11/2021)

 

Theo ông Nguyễn Văn Bình – Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế - Tổng cục Dự trữ Nhà nước, mặc dù hệ thống định mức kinh kế - kỹ thuật và định mức chi phí nghiệp vụ trong quản lý hàng dự trữ quốc gia đã tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc lập dự toán, quản lý chi phí nghiệp vụ DTQG cũng như quyết toán mức hao hụt hàng dự trữ quốc gia; tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần tiếp tục hoàn thiện để nâng cao hiệu quả quản lý.

Một số quy định đã lạc hậu

Từ khi ban hành Luật Dự trữ quốc gia đến nay, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã chủ trì tham mưu Bộ Tài chính ban hành nhiều thông tư quy định về định mức chi phí nhập, chi phí xuất, chi phí bảo quản và định mức hao hụt hàng dự trữ quốc gia (DTQG). Việc ban hành các định mức này đã tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc lập dự toán và quản lý chi phí nghiệp vụ DTQG cũng như quyết toán mức hao hụt hàng DTQG trong quá trình bảo quản.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bình - Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế - Tổng cục Dự trữ Nhà nước, hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG và định mức chi phí nghiệp vụ nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG còn một số hạn chế, bất cập.

 

Việc hoàn thiện các quy định về định mức giúp nâng cao hiệu quả quản lý hàng dự trữ quốc gia

 

Hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức chi phí nghiệp vụ nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG còn thiếu nhiều so với yêu cầu quy định. Nhiều mặt hàng đã đưa vào dự trữ nhưng chưa xây dựng được định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức chi phí nghiệp vụ nhập, xuất, bảo quản để trình Bộ Tài chính ban hành theo đúng thẩm quyền quy định tại Luật DTQG, như: Các mặt hàng DTQG do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang quản lý, bảo quản. Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm xây dựng, ban hành các loại định mức của các mặt hàng DTQG nêu trên là do chưa ban hành được quy chuẩn kỹ thuật hàng DTQG, việc chưa ban hành được quy chuẩn kỹ thuật do tính phức tạp về đặc tính kỹ thuật của mặt hàng DTQG; do mặt hàng DTQG mới đưa vào dự trữ chưa có tiêu chuẩn cơ sở, chưa có tiêu chuẩn quốc gia nên khó khăn trong quá trình xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Việc chậm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với từng mặt hàng dẫn tới không có cơ sở pháp lý để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức chi phí nghiệp vụ DTQG.

Một số định mức chi phí nghiệp vụ DTQG ban hành từ lâu, đã lạc hậu, quy trình quản lý và công nghệ bảo quản đã thay đổi nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung định mức cho phù hợp. Ví dụ như: Định mức chi phí nghiệp vụ mặt hàng thuốc nổ TNT và TEN do Bộ Công Thương quản lý, được ban hành từ năm 2013, 2014; đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chuyển hai mặt hàng này sang Bộ Quốc phòng quản lý, tuy nhiên đến nay chưa xây dựng lại định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức chi phí nghiệp vụ cho phù hợp với quy trình quản lý. Hoặc định mức hao hụt xăng dầu DTQG được vận dụng định mức hao hụt xăng dầu kinh doanh quy định tại Thông tư số 43/2015/TT-BCT ngày 8/12/2015 của Bộ Công Thương quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu là chưa bảo đảm cơ sở pháp lý và tính chính xác...

Bên cạnh đó, quy trình xây dựng định mức còn bất cập, chưa bảo đảm cơ sở vững chắc và tính bền vững. Định mức chi phí nhập, chi phí xuất, chi phí bảo quản hàng DTQG phải căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG do Bộ Tài chính ban hành. Thực tế triển khai quy trình xây dựng định mức chi phí nhập, chi phí xuất, chi phí bảo quản hàng DTQG cho thấy, định mức chi phí nhập, chi phí xuất, chi phí bảo quản từng mặt hàng do Bộ Tài chính ban hành vẫn được xác định trên cơ sở mức tiêu hao về lượng của các yếu tố đầu vào cho hoạt động nhập, xuất, bảo quản của mặt hàng đó, nhưng mức tiêu hao về lượng của các yếu tố đầu vào lại chưa được Bộ Tài chính ban hành dưới hình thức thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG. Do đó, việc xây dựng, ban hành định mức chi phí nhập, chi phí xuất, chi phí bảo quản hàng DTQG chưa căn cứ vào văn bản quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG do Bộ Tài chính ban hành như quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật DTQG.

Giải pháp hoàn thiện hệ thống định mức

Theo ông Nguyễn Văn Bình, để tiếp tục hoàn thiện hệ thống định mức trong quản lý hàng DTQG, trước mắt, cần chú trọng triển khai nhiều giải pháp.

Theo đó, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG cần quan tâm chỉ đạo khẩn trương xây dựng, gửi Bộ Tài chính ban hành đầy đủ các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với từng mặt hàng DTQG được giao quản lý. Trên cơ sở đó, tiếp tục xây dựng, gửi Bộ Tài chính ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức chi phí nhập, chi phí xuất, chi phí bảo quản hàng DTQG của mặt hàng tương ứng.

Đồng thời, cần đổi mới phương pháp, quy trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG và định mức chi phí nghiệp vụ nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG. Cần thực hiện bước xây dựng, trình Bộ Tài chính ban hành thông tư về định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG; trên căn cứ đó, mới tiến hành xây dựng, trình Bộ Tài chính ban hành thông tư về định mức chi phí nhập, chi phí xuất, chi phí bảo quản hàng DTQG. Qua đó bảo đảm cở sở pháp lý vững chắc và tính bền vững của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về định mức trong quản lý hàng DTQG.

Thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình xây dựng và tổ chức thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức chi phí nghiệp vụ nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG của các bộ, ngành và của Tổng cục DTNN. Định kỳ hàng năm lập, trình Bộ Tài chính ban hành kế hoạch xây dựng, hoàn thiện hệ thống định mức để có cơ sở theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các loại định mức cho phù hợp với quy định pháp luật và yêu cầu thực tiễn quản lý.

Ngoài ra cần tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức chi phí trong quản lý hàng DTQG. Quy định rõ hơn về nội hàm, căn cứ, phương pháp, quy trình xây dựng từng loại định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức chi phí nhập, chi phí xuất, chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia; đồng thời tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các loại định mức quản lý hàng DTQG.

 

Nguồn:Thời báo Tài chính Việt Nam



Các tin đã đưa ngày: