Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Phố Giang, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) với phóng viên Báo Thanh tra về các giải pháp để thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép", vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Bà Giang cho biết, thời gian qua, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc diễn biến hết sức phức tạp, nhưng Tổng cục DTNN đã chủ động triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch. Kết quả, đến nay, Tổng cục đã thực hiện 7/11 cuộc thanh tra, kiểm tra. Việc triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo đúng tiến độ, bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Có được kết quả này là do Tổng cục đã thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, chú trọng hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra ngành Dự trữ Nhà nước năm 2021 có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với bối cảnh, tình hình vừa bảo đảm công tác chuyên môn, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngay từ đầu năm, trên cơ sở kế hoạch được phê duyệt, Tổng cục đã xây dựng kế hoạch chi tiết đến từng tháng đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó có chuẩn bị kịch bản đối với trường hợp dịch Covid-19 xảy ra. Đồng thời, Tổng cục đã đổi mới cách thức triển khai thực hiện để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với đối tượng thanh tra, kiểm tra; thực hiện ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong triển khai, quản lý, điều hành hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Xuất cấp gạo phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
PV: Từ cuối tháng 4/2021 đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã phải áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến tình trạng thiếu hàng hóa cục bộ. Xin bà cho biết, để vừa bảo đảm công tác an sinh xã hội tại các địa phương thiếu lương thực, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, Tổng cục DTNN đã triển khai những giải pháp nào?
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Phố Giang: Để hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định xuất cấp gạo và 2 quyết định xuất cấp vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương. Hiện nay, Tổng cục đang chỉ đạo các cục DTNN khu vực tập trung triển khai thực hiện việc xuất cấp theo kế hoạch phân bổ, tiếp nhận của các địa phương.
Ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục DTNN đã giao nhiệm vụ cho các cục DTNN khu vực triển khai xuất cấp gạo ngay cho các địa phương. Đồng thời Tổng cục DTNN chỉ đạo, quán triệt các đơn vị được giao xuất cấp gạo: Báo cáo UBND các tỉnh về việc giao, nhận gạo để sớm có kế hoạch tiếp nhận gạo cho các đối tượng thụ hưởng; phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ xuất cấp để có các biện pháp, giải pháp xuất kho, vận chuyển, giao nhận hàng kịp thời; chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa, kho tàng, phương tiện, nhân lực… thực hiện kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi xuất kho, để xuất cấp cho các địa phương theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Đến ngày 6/9, theo báo cáo của các đơn vị, việc triển khai xuất cấp gạo hỗ trợ các địa phương kịp thời, theo đúng kế hoạch phân bổ, tiếp nhận gạo của các địa phương về số lượng, đúng tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Gắn công tác thanh tra, kiểm tra với phòng, chống dịch hiệu quả.
PV: Theo dự báo, đại dịch Covid 19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội nói chung và các hoạt động của Tổng cục DTNN nói riêng. Để chủ động ứng phó với những diễn biến của dịch Covid-19, thời gian tới, Tổng cục DTNN ưu tiên giải pháp nào trong hoạt động nói chung và việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nói riêng, thưa bà?
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Phố Giang: Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2021, Tổng cục đã và đang triển khai đồng bộ một số giải pháp phù hợp với tình hình hiện nay.
Một là, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các đối tượng thanh tra để điều chỉnh thời gian trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra chi tiết. Đồng thời, qua báo cáo khảo sát của các đối tượng thanh tra, kiểm tra, Tổng cục sẽ lựa chọn các nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm và tổ chức triển khai kịp thời kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được phê duyệt; bố trí lực lượng, tổ chức triển khai có hiệu quả để hoàn thành kế hoạch được giao.
Hai là, đẩy mạnh hơn việc cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý thông tin phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra; chú trọng phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đối tượng thanh tra nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng, qua đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chống các hành vi vi phạm,...
Ba là, Tổng cục đã đặt ra mục tiêu tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành. Cùng với đó là tăng cường thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện, phòng ngừa và xử lý kịp thời các sai phạm khi mới bắt đầu phát sinh; Tổng cục đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành năm 2021 đã xây dựng.
PV: Xin cảm ơn bà!
----------------------------------------------------------------
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Trần Quý (Nguồn: Thanhtra.com.vn)