Duy trì hiệu quả các hệ thống ứng dụng
Theo ông Nguyễn Trần Duy - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, thống kê và Kiểm định hàng dự trữ (Cục CNTT) - Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN), trong thời gian qua, Tổng cục Dự trữ nhà nước (DTNN) đã luôn duy trì có hiệu quả các hệ thống ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn. Bên cạnh đó, đơn vị đã triển khai nâng cấp và vận hành ổn định các hệ thống ứng dụng.
Đơn cử như phần mềm quản lý vật tư hàng hóa và kho tàng DTNN được xây dựng và triển khai trong toàn hệ thống của Tổng cục DTNN, tạo rất nhiều thuận lợi cho công tác chỉ đạo và quản lý của đơn vị trong việc xuất, nhập hàng hóa dự trữ quốc gia (DTQG), quản lý thông tin về kho tàng trong toàn Tổng cục DTNN.
Ông Nguyễn Trần Duy cho biết, thời điểm trước, phần mềm trên chưa đáp ứng đầy đủ các mảng nghiệp vụ, mặt khác chỉ quản lý được các mặt hàng, kho tàng do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý mà chưa quản lý các thông tin hàng DTQG do các bộ, ngành quản lý. Chính vì vậy, vào ngày 31/10/2019, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN đã ban hành Quyết định 681/QĐ-TCDT phê duyệt dự án Xây dựng hệ thống Quản lý nghiệp vụ DTQG. Đây được xem là ứng dụng cốt lõi của ngành DTNN, là nguồn dữ liệu cơ bản đầy đủ để cung cấp cho kho cơ sở dữ liệu phục vụ hệ thống thông tin báo cáo DTNN.
Để đẩy mạnh hiệu quả sử dụng phần mềm nêu trên, đặc biệt là module quản lý kho tàng, ngày 22/2/2021 Tổng cục DTNN đã có văn bản số 237/TCDT-CNTT yêu cầu các đơn vị thực hiện rà soát, cập nhật dữ liệu phần mềm Quản lý vật tư hàng hóa, kho tàng DTNN. Trên cơ sở đó, các dữ liệu liên quan đến kho tàng đang từng bước được làm đầy và cập nhật theo thực tế. Trước đó, ngày 9/2/2021, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN đã ban hành Quyết định số 88/QĐ-TCDT về Khung quy chế, quản lý, sử dụng kho DTQG của Tổng cục DTNN. Đây là cơ sở pháp lý để các đơn vị tiếp tục xây dựng, ban hành quy chế cụ thể làm căn cứ triển khai thực hiện.
Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin
Theo ông Nguyễn Trần Duy, Tổng cục DTNN đã triển khai các giải pháp bảo mật phòng chống các nguy cơ an ninh thông tin, phù hợp đặc thù hệ thống mạng từ Tổng cục DTNN đến các đơn vị trong hệ thống. Các giải pháp được triển khai tạo thành một kiến trúc tổng thể bảo vệ dữ liệu hệ thống ứng dụng, người dùng cuối.
“Hệ thống đảm bảo an toàn an ninh thông tin trong giai đoạn 2016 - 2020 đã được chú ý đầu tư. Các giải pháp đầu tư chủ yếu là về kiểm soát an ninh mạng, an ninh vật lý, kiểm soát truy cập Internet và bản quyền phần mềm virus cho máy trạm”, ông Duy cho biết.
Đơn cử tại Tổng cục DTNN, các giải pháp cơ bản và nâng cao đã được triển khai gồm có: thiết bị tường lửa triển khai theo từng cặp, phân tách theo từng vùng (Internet, WAN, LAN và Server), giải pháp về phòng chống thư rác cho thư điện tử, giải pháp bảo vệ truy cập Internet cho người dùng cuối (Proxy), giải pháp về quản lý và đáp trả các nguy cơ an ninh thông tin và giải pháp kiểm soát truy cập người dùng. Các giải pháp này đáp ứng việc kiểm soát được các thiết bị, đối tượng kết nối vào hệ thống mạng, kiểm soát được lưu lượng truy cập và phát hiện nhanh các nguy cơ, cuộc tấn công trong mạng nội bộ và từ Internet vào các ứng dụng nội bộ.
Còn tại các chi cục DTNN cũng đã triển khai các giải pháp tường lửa và cả chức năng định tuyến, thiết bị kiểm soát truy cập. Việc triển khai giải pháp này đáp ứng kiểm soát được các thiết bị, đối tượng kết nối vào hệ thống mạng và hạn chế được các cuộc tấn công mạng nội bộ bằng hình thức tạo nhiều truy cập, kết nối nội bộ làm cho tắc nghẽn hệ thống mạng.
Xây dựng kế hoạch hành động chi tiết
Nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) vào triển khai chính phủ điện tử và hiện đại hóa hoạt động của ngành DTQG, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo sát sao Cục CNTT phối hợp với các đơn vị trong Tổng cục xây dựng kế hoạch hành động chi tiết để triển khai trong hoạt động của ngành.
Theo đó, Tổng cục DTNN đã ban hành Quyết định số 618/QĐ-TCDT ban hành Kế hoạch hành động chi tiết của Tổng cục DTNN thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ năm 2018 của Ban cán sự Đảng bộ Bộ Tài chính. Quyết định số 618 xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện từ nay đến năm 2025, sản phẩm đầu ra và trách nhiệm của các đơn vị từ đơn vị chủ trì đến đơn vị phối hợp trong vệc triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động của ngành DTNN.
Ông Nguyễn Trần Duy cho biết, trong thời gian tới, để hướng tới nền tài chính số dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu mở, ngành DTNN đã có định hướng và lộ trình cụ thể, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành thông qua các công cụ số hóa.
Xây dựng kế hoạch 5 năm ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2021 - 2025
Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã xây dựng kế hoạch 5 năm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm phù hợp với Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số, trong đó, mục tiêu tổng thể là xây dựng hệ thống thông tin hợp nhất từ trung ương đến địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động DTQG theo khung Kiến trúc chính phủ điện tử và định hướng chuyển đổi số của ngành Tài chính. Đồng thời, ứng dụng công nghệ mới trong việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an toàn thông tin và phát triển các hệ thống nền tảng đảm bảo sẵn sàng cho việc triển khai các bài toán ứng dụng và dịch vụ CNTT của Tổng cục DTNN theo mô hình tập trung, đáp ứng yêu cầu về quản trị, chia sẻ tài nguyên và hỗ trợ tập trung tại trung ương...
|