Qua hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh Bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực dự trữ quốc gia luôn được quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định, không để xảy ra tình trạng lộ lọt bí mật nhà nước.
Bà Bùi Thúy Ngọc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục DTNN phát biểu tại hội nghị.
Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ quy định bảo vệ bí mật nhà nước
Ngày 22/4, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Hơn 700 đại biểu đại diện đơn vị trực tiếp quản lý hàng dự trữ quốc gia (DTQG) của các Bộ: Công an, Quốc phòng, Công thương, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn và toàn thể CBCC các đơn vị thuộc Tổng cục DTNN tham dự hội nghị tại 22 điểm cầu.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh toàn ngành DTNN đang tích cực triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 và 5 năm 2021-2025; đồng thời đang triển khai thực hiện các quy định pháp luật mới về bảo vệ bí mật nhà nước.
Mục tiêu hội nghị là nhằm nâng cao nhận thức quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước mới ban hành; tạo sự thống nhất về cách hiểu một số quy định pháp luật mới; học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm giải quyết các tình huống cụ thể trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước; tạo cơ sở để triển khai thực hiện đúng quy định, có hiệu quả các quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành DTNN trong thời gian tới.
Dự trữ quốc gia một lĩnh vực đặc thù, là một nguồn lực quan trọng của quốc gia để chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách và phục vụ quốc phòng, an ninh. Hoạt động dự trữ quốc gia có nhiều thông tin cần bảo mật theo quy định của pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước. Nhận thức được vấn đề này, Bộ Tài chính, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia nói chung và Tổng cục DTNN luôn chú trọng triển khai thực hiện đúng quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Bùi Thúy Ngọc cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh Bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực dự trữ quốc gia luôn được quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định, không để xảy ra tình trạng lộ lọt bí mật nhà nước.
“Có thể nói, hệ thống quy định pháp luật và quy chế nội ngành về công tác bảo vệ bí mật nhà nước đến nay đã đầy đủ và đồng bộ. Vấn đề còn lại là nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện cho đúng. Vì vậy, việc tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt quy định về bảo vệ bí mật nhà nước cho cán bộ, công chức ngành DTNN vào thời điểm này là hết sức cần thiết”, bà Ngọc nói.
Kho dự trữ quốc gia vẫn cần được bảo vệ chặt chẽ
Hội nghị đã đi sâu phổ biến về các quy định mới của Luật Bảo vệ Bí mật nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật; quy định về danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực tài chính, ngân sách và các lĩnh vực khác có liên quan đến hoạt động của cơ quan Tổng cục, các Cục DTNN khu vực và các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia.
Hội nghị cũng phổ biến các quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Bộ Tài chính, của Tổng cục DTNN và đặc biệt là nghe chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng xử lý các tình huống thực tiễn, cũng như trao đổi, thảo luận, giải đáp vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước tại các đơn vị.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến phổ biến pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước
cho các cán bộ, công chức ngành DTNN.
Khác với Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước trước đây, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và văn bản hướng dẫn thi hành không quy định về khu vực cấm, địa điểm cấm thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Do đó, từ ngày 01/7/2020, việc quản lý các kho dự trữ quốc gia sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh bởi quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, cụ thể là quy định về khu vực cấm, địa điểm cấm.
Tuy nhiên, kho dự trữ quốc gia vẫn cần được bảo vệ chặt chẽ, an toàn, bí mật theo quy định tại Luật Dự trữ quốc gia, Luật Quản lý Tài sản công và các quy định pháp luật khác có liên quan. Để làm rõ vấn đề này, bên cạnh nội dung phổ biến pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước hiện hành, hội nghị đã nghe phổ biến các quy định pháp luật có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ kho dự trữ quốc gia và Quyết định số 88/QĐ-TCDT của Tổng cục Dự trữ Nhà nước ban hành khung quy chế quản lý, sử dụng kho dự trữ quốc gia.
“Sau hội nghị, lãnh đạo các đơn vị phải tiếp tục quán triệt, phổ biến quy định và kinh nghiệm thu hoạch được đến toàn thể cán bộ công chức trong đơn vị. Đồng thời, đề nghị Vụ Chính sách và Pháp chế, Văn phòng Tổng cục DTNN tiếp tục theo dõi, tổng hợp những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc để tham mưu hướng dẫn cho các đơn vị trong thời gian tới”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Hệ thống quy định pháp luật về công tác bảo vệ bí mật nhà nước đầy đủ và đồng bộ
Năm 2018, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước mới ban hành và có hiệu lực từ tháng 7/2020. Tiếp theo đó là nhiều văn bản quy định dưới Luật được ban hành, như: Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ bí mật nhà nước; Quyết định số 06/2021/QĐ-TTg ngày 18/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về bãi bỏ quy định về khu vực cấm, địa điểm cấm và danh mục bí mật nhà nước độ tuyệt mật, tối mật; Quyết định số 1923/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực tài chính, ngân sách (trong đó bao gồm cả lĩnh vực dự trữ quốc gia), Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10/3/2020 về hệ thống mẫu biểu trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1500/QĐ-BTC về quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Tài chính; Tổng cục DTNN đã ban hành Quyết định số 808/QĐ-TCDT về quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Tổng cục DTNN…
|