Mang xuân ấm đến mọi nhà

(19/02/2021)

Trong năm qua, hàng loạt chủ trương, chính sách hỗ trợ được Chính phủ ban hành đã tạo niềm tin vững chắc cho nhân dân. Với vai trò là “cánh tay nối dài” đưa cơ chế chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn, 2020 quả là một năm “bận rộn” của ngành DTNN.
 
Người dân xã Quảng Ngần, huyện Vị Xuyên,
tỉnh Hà Giang phấn khởi nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ.
 

Dịch bệnh, thiên tai... năm 2020 qua đi đánh dấu nhiều bất ổn chưa từng có với thế giới và Việt Nam. Bất chấp khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và có các chính sách kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Trong năm qua, hàng loạt các chủ trương, chính sách được Chính phủ ban hành kịp thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo niềm tin vững chắc cho nhân dân. Với vai trò là “cánh tay nối dài” đưa cơ chế, chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn, 2020 quả là một năm “bận rộn” của ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN).

Nguồn lực dự trữ quốc gia được sử dụng hiệu quả

Những ngày giáp Tết cổ truyền của dân tộc, năm nào cũng vậy, nhiều đoàn công tác của ngành DTNN lại hối hả lên đường đến các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên khắp mọi miền đất nước để thực hiện nhiệm vụ phân bổ gạo của Chính phủ cho người nghèo. Với tinh thần “cả nước vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau”, mỗi dịp tết đến, xuân về, Đảng, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt chăm lo cho người nghèo,  đảm bảo mọi nhà, mọi người đều có tết. Đây cũng là dịp bận rộn của cán bộ, nhân viên ngành Dự trữ.

Ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN cho biết: “hỗ trợ gạo cho người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc có ý nghĩa lớn lao, nhân văn, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc ta. Trong nhiều năm qua, Tổng cục DTNN luôn đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ đồng bào nghèo dịp tết. Đây là công việc thường xuyên nên chúng tôi đã có kế hoạch chuẩn bị chu đáo”.

Các cục DTNN khu vực chủ động sẵn sàng kế hoạch thuê phương tiện vận chuyển, xuất kho, bố trí cán bộ công chức thực hiện xuất cấp hàng dự trữ quốc gia (DTQG) kịp thời cho các địa phương khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định. Cán bộ, công chức ngành DTQG không quản ngại đường sá xa xôi, thời tiết khắc nghiệt, khẩn trương giao gạo đến tay người dân trong thời gian sớm nhất, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng.

 “Hàng năm, Tổng cục DTNN luôn cố gắng muộn nhất vào 27 tháng Chạp sẽ hoàn thành 100% kế hoạch xuất cấp gạo hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn ăn tết. Mặc dù mới chỉ đảm bảo được số lượng 15kg/nhân khẩu nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, vào những ngày tết như thế này, đây là món quà thiết thực góp phần ổn định đời sống, động viên người dân vượt qua thời điểm khó khăn, yên tâm đón tết. Với những người làm dự trữ chúng tôi, đó chính là niềm vui, hạnh phúc” - ông Đỗ Việt Đức chia sẻ.

Không chỉ hỗ trợ vào dịp tết mà bất cứ thời điểm nào, nơi nào người dân gặp khó khăn, nơi ấy sẽ được Chính phủ và những tấm lòng tình nghĩa khắp cả nước tìm đến. Như trong đợt mưa lũ gây thiệt hại nặng nề với người dân miền Trung tháng 10, tháng 11/2020, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục DTNN xuất cấp hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng thiên tai, mưa lũ 19.395,85 tấn gạo, trị giá khoảng 213 tỷ đồng.

Khó khăn năm 2020 chưa dừng ở “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung mà dịch bệnh quay trở lại, rình rập khắp cả nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Dịch bệnh đã "ăn mòn" thành quả của các ngành, lĩnh vực những năm trước. Hàng loạt các chủ trương, chính sách được ban hành kịp thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo niềm tin vững chắc cho nhân dân vào sự điều hành, lãnh đạo của Đảng, Chính phủ; hỗ trợ trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều quyết định xuất cấp hàng DTQG cho các địa phương để phòng chống thiên tai, dịch bệnh; tổng giá trị hàng đã xuất cấp khoảng 2.014,5 tỷ đồng. Theo đó,  Bộ Tài chính đã xuất cấp khoảng 1.615 tỷ đồng, tăng 418 tỷ đồng so với năm 2019. Trong đó, Tổng cục DTNN thực hiện xuất cấp tổng số 132.100 tấn gạo (tăng khoảng 20.000 tấn so với năm 2019), giá trị khoảng 1.412 tỷ đồng gồm: Hỗ trợ Tết Nguyên đán 6.460 tấn; hỗ trợ thiên tai, mưa lũ, hạn hán 24.284 tấn; hỗ trợ giáp hạt 5.829 tấn; hỗ trợ dự án trồng rừng 18.323 tấn; hỗ trợ học sinh 71.204 tấn; xuất viện trợ nước ngoài 6.000 tấn... Ngoài lương thực, Tổng cục DTNN đã xuất cấp vật tư, thiết bị để phục vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn với tổng trị giá 203 tỷ đồng.

Trong những ngày khó khăn mới thấy nguồn lực DTQG ngày càng được sử dụng có hiệu quả thông qua chính sách hỗ trợ cho các học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cho nhân dân vùng cao trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; vùng bị thiệt hại do thiên tai, hạn hán, mất mùa; các hộ nghèo bị thiếu đói giáp hạt dịp Tết Nguyên đán… Việc hỗ trợ tại mỗi thời điểm tuy mang ý nghĩa, tính chất khác nhau nhưng đã phần nào giúp các địa phương bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống dân cư trên địa bàn.

“Trong các chuyến giao hàng DTQG hỗ trợ người dân, nhiều đồng bào chia sẻ với chúng tôi, họ cảm thấy ấm lòng khi nhận được những phần quà hỗ trợ của Nhà nước. Bởi trên ý nghĩa vật chất, đó là sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với người nghèo, giúp họ có động lực để vươn lên trong cuộc sống ” - ông Đỗ Việt Đức chia sẻ.

Nhịp cầu đưa chính sách an sinh đến với người dân

Suốt một năm qua, hết xuất cấp hàng phòng chống dịch bệnh rồi đến hỗ trợ thiên tai, cán bộ, viên chức ngành Dự trữ căng mình hoàn thành nhiệm vụ. Bởi đối với ngành Dự trữ bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là xuất cấp hàng DTQG để hỗ trợ, cứu trợ cho nhân dân trong các tình huống đột xuất, cấp bách, khó khăn còn có trách nhiệm phải đảm bảo an toàn cho tài sản, hàng DTQG. Khi thiên tai, bão lũ xảy ra cũng đe dọa đến sự an toàn  của các kho hàng dự trữ.

“Chúng tôi phải thường xuyên theo dõi thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia để chủ động có phương án, biện pháp phòng ngừa, ứng phó khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, thực hiện giám sát, kiểm tra chất lượng hàng vật tư DTQG, áp dụng các công nghệ bảo quản tiên tiến. Nhờ đó, hàng dự trữ luôn được bảo quản an toàn đủ về số lượng chất lượng đảm bảo” - ông Đỗ Việt Đức cho biết.

Cũng theo ông Đỗ Việt Đức,  dự báo bối cảnh trong năm 2021 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế thế giới vẫn chưa thể khôi phục, hoặc khôi phục chậm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; cùng với những tiềm ẩn rủi ro từ sự biến đổi khí hậu có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Từ những dự báo này, ngành DTNN tiếp tục xây dựng, bổ sung lực lượng hàng DTQG đảm bảo sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ, cứu trợ kịp thời.

Ngay từ những ngày đầu năm 2021, cán bộ, nhân viên ngành Dự trữ tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Vừa xuất cấp hàng dự trữ hỗ trợ người dân đón Têt Nguyên đán, vừa triển khai kế hoạch nhập hàng năm 2021, đối với lương thực là 190.000 tấn gạo, 80.000 tấn thóc; nhập đủ số lượng, đảm bảo chất lượng hàng vật tư, thiết bị hàng DTQG do Tổng cục quản lý và các bộ, ngành được giao quản lý.

“Là nhịp cầu đưa chính sách an sinh của Đảng, Nhà nước đến với người dân, Tổng cục DTNN tiếp tục chủ động các nguồn lực, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là việc hỗ trợ hàng DTQG cho các địa phương trong các tình huống đột xuất, cấp bách” - Ông Đỗ Việt Đức khẳng định.

 

Trung Ninh - Thời báo Tài chính Việt Nam