Hỗ trợ gạo, bảo vệ và phát triển màu xanh Tổ quốc

(31/01/2021)

Từ năm 2008 đến nay, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xuất cấp khoảng 67 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia nhằm hỗ trợ các hộ nghèo ở 5 tỉnh phía Bắc để chăm sóc, bảo vệ rừng. Công tác hỗ trợ trực tiếp bằng nguồn gạo dự trữ quốc gia cho các dự án trồng rừng đã mang lại hiệu quả khả quan.

 

Đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia là

các hộ nghèo nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, đất để trồng rừng

được giao rừng và giao sản xuất

 

Những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm bảo vệ, phát triển rừng và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đã có những đóng góp tích cực trong việc giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội; tạo việc làm, ổn định đời sống cho người dân các địa phương vùng trung du, miền núi. Đặc biệt, chính sách này đã giúp đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao hiệu quả sử dụng rừng và đất lâm nghiệp thông qua giao đất, giao rừng; giao khoán bảo vệ và phát triển rừng; hỗ trợ trồng rừng sản xuất; hỗ trợ bảo vệ rừng…

Hỗ trợ gạo các hộ nghèo để chăm sóc, bảo vệ rừng là hoạt động triển khai Nghị quyết số 30a/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; áp dụng quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020; Thông tư liên tịch số 52/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 14/4/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính về việc hướng dẫn trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi trồng rừng thay thế nương rẫy; cũng như Thông tư liên tịch số 93/2016/TTLT-BTC-NNN giữa Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP.

Theo đó, các đối tượng bảo vệ và phát triển rừng được hưởng chính sách hỗ trợ gạo gồm:

Một là, hộ gia đình nghèo nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng hoặc hộ gia đình được giao đất để trồng rừng sản xuất, được trợ cấp 15kg gạo/nhân khẩu/tháng trong thời gian chưa tự túc được lương thực (thời gian trợ cấp gạo do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định, nhưng không quá 7 năm) theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 và Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.

Hai là, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ miền núi đang cư trú hợp pháp tại địa phương tự nguyện trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy, mức trợ cấp cho từng hộ gia đình không quá 700 kg/năm; mỗi khẩu được trợ cấp bình quân 10kg/tháng (mức hỗ trợ trên từng địa bàn do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định, nhưng không quá 7 năm) theo quy định tại Thông tư liên tịch số 52/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 14/4/2008.

Từ năm 2008 đến hết ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 13 Quyết định giao Bộ Tài chính triển khai xuất 171.024,959 tấn gạo cho 11 dự án bảo vệ và phát triển rừng của 6 tỉnh (gồm: Hà Giang; Thanh Hóa; Bắc Giang; Nghệ An; Sơn La và Bắc Kạn) trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2026. Căn cứ các quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu trên và kế hoạch tiếp nhận gạo của UBND các tỉnh, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) đã triển khai xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại các địa phương.

Kết quả là, đến ngày 31/12/2020, số gạo đã xuất cấp cho các đối tượng bảo vệ và phát triển rừng là 94.708,418 tấn/171.024,959 tấn.

Trong quá trình thực hiện, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo các Cục DTNN khu vực chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, các đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ. Qua đó, các đơn vị đã chủ động lên phương án, kế hoạch xuất kho, vận chuyển, giao nhận gạo cho các đối tượng thụ hưởng chính sách theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính về xuất cấp hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ cho các địa phương.

Đồng thời, Tổng cục DTNN cũng giao nhiệm vụ cho các Cục DTNN khu vực phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát quá trình quản lý, sử dụng gạo hỗ trợ. Nhờ vậy, gạo dự trữ quốc gia xuất cấp cho các địa phương đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng và theo đúng kế hoạch tiếp nhận, phân bổ của UBND các tỉnh.

Công tác hỗ trợ trực tiếp bằng nguồn gạo dự trữ quốc gia cho các dự án trồng rừng đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Dưới góc độ xã hội, giá trị của mỗi suất gạo hỗ trợ không lớn, không thể giúp mỗi gia đình người dân được hỗ trợ thoát nghèo, có cuộc sống khá giả. Tuy nhiên, nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự quan tâm chăm lo đời sống người dân của Chính phủ, tạo động lực để người dân các vùng khó khăn nỗ lực vượt khó, xây dựng cuộc sống mới khá giả hơn...

Người dân vùng cao được hỗ trợ gạo, có lương thực đủ ăn. Điều này đã giúp họ thay đổi tập quán từ khai thác gỗ, phá rừng sang trồng, giữ rừng, sử dụng sản phẩm từ rừng trồng để thay thế cây rừng tự nhiên. Hoạt động hỗ trợ gạo cũng thu hút các hộ gia đình trên địa bàn huyện tham gia vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thêm việc làm cho người lao động, từng bước cải thiện đời sống cho đồng bào các địa phương vùng sâu, vùng xa.

Về môi trường, việc người dân tham gia trồng và giữ rừng đã góp phần nâng độ che phủ rừng, phát huy chức năng phòng hộ rừng đầu nguồn, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất và duy trì được nguồn nước phục vụ sinh hoạt.

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ gạo cho người dân tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng còn có ý nghĩa đặc biệt về an ninh-quốc phòng. Chính sách này đã giúp tạo vành đai xanh bảo vệ biên cương Tổ quốc…

Với những ý nghĩa quan trọng đó, mỗi cán bộ, công chức ngành DTNN luôn cố gắng, nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ xuất cấp gạo, khơi dậy tình nghĩa đồng bào, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh, tạo động lực để người dân các hộ nghèo tham gia bảo vệ, phát triển rừng.

 

Tổng cục Dự trữ Nhà nước