Công điện khẩn số 12/CĐ-TCDT ngày 26/10/2020 của Tổng cục Dự trữ Nhà nước về việc ứng phó với cơn bão số 9

(26/10/2020)

BỘ TÀI CHÍNH

TỔNG CỤC DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC

--------

Số: 12/CĐ-TCDT

 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-------------------

   Hà Nội, ngày  26  tháng 10 năm 2020

 

 

CÔNG ĐIỆN

Về việc ứng phó với cơn bão số 9

-----------------

Tổng cục Dự trữ Nhà nước điện: các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực: Hà Nội, Tây Bắc, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Bắc Thái, Hà Bắc, Hải Hưng, Đông Bắc, Thái Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Bắc Tây Nguyên

 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng nay (26/10), bão Molave đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9 trong năm 2020, cụ thể: Vào hồi 07 giờ, vị trí tâm bão ở khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 120,3 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 14. Hồi 08 giờ, vị trí tâm bão ở khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 119,9 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 650km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 270km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 112,0 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 15; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 07 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 07 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 105,7 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão số 9 nêu trên và tình hình mưa lũ đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay trên địa bàn các tỉnh Miền Trung; tiếp theo các Công điện số 09/CĐ-TCDT ngày 12/10/2020 và số 10/CĐ-TCDT ngày 16/10/2020 và số 11/CĐ-TCDT ngày 23/10/2020, Tổng cục Dự trữ Nhà nước yêu cầu các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực từ Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên trở ra phía Bắc thực hiện một số nội dung như sau:

1. Tăng cường công tác tổ chức trực ban thường xuyên, theo dõi diễn biến của cơn bão số 9 và tình hình mưa lũ trên địa bàn, kịp thời có biện pháp phòng, chống để đảm bảo an toàn về người, tài sản và hàng dự trữ quốc gia.

2. Rà soát kiểm tra hệ thống điện, hệ thống thoát nước xung quanh trụ sở, kho chứa hàng dự trữ quốc gia và hệ thống mái, tường trụ sở, nhà kho chứa hàng, kịp thời sửa chữa, khắc phục những hư hỏng (nếu có), chuẩn bị nhân lực, phương tiện trang thiết bị để sẵn sàng tổ chức ứng phó với các sự cố thiên tai do mưa lũ gây ra, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, tài sản, hàng dự trữ quốc gia. Đồng thời, phải chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, phương tiện, hàng dự trữ quốc gia để tổ chức thực hiện xuất cấp ngay khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

3. Đối với các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực được Tổng cục giao nhiệm vụ xuất hàng dự trữ quốc gia (gạo, vật tư thiết bị) hỗ trợ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam để khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ; tiếp tục khẩn trương tổ chức xuất cấp, vận chuyển giao hàng theo đúng kế hoạch tiếp nhận của địa phương, đảm bảo số lượng, chất lượng và theo đúng thời gian Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quy định. Hàng ngày, tổng hợp báo cáo tiến độ, kết quả xuất cấp hàng DTQG cho các tỉnh nêu trên gửi về Tổng cục DTNN (Vụ Quản lý hàng dự trữ). Đối với các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực đang thực hiện nhập vật tư thiết bị, xuất bán luân phiên đổi hàng (thóc, gạo dự trữ quốc gia), xuất gạo hỗ trợ học sinh, hỗ trợ trồng rừng, Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực chủ động có kế hoạch triển khai thực hiện nhập, xuất hàng đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, tài sản và chất lượng hàng dự trữ quốc gia.

5. Các nội dung khác, thực hiện theo hướng dẫn tại các Công điện số 09/CĐ-TCDT ngày 12/10/2020 và số 10/CĐ-TCDT ngày 16/10/2020 và số 11/CĐ-TCDT ngày 23/10/2020, Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ nếu có phát sinh, vướng mắc, những vấn đề vượt quá thẩm quyền kịp thời báo cáo về Tổng cục Dự trữ Nhà nước (qua Vụ Quản lý hàng dự trữ) để theo dõi, chỉ đạo.

Yêu cầu các đồng chí Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện./.

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- Lãnh đạo Bộ Tài chính (để b/c);

- Lãnh đạo Tổng cục;

- Các Vụ: Kế hoạch; TVQT;

- Cục CNTT (đăng tin);

- Lưu: VT, Vụ QLHDT (27 bản).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG

PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG

 

(Đã ký)

 

Phạm Vũ Anh

 




 


Tài liệu đính kèm:



Các tin đã đưa ngày: