Hạt gạo nghĩa tình với người dân vùng dịch

(02/10/2021)

Hơn 130 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia “thần tốc” đến với người dân vùng dịch tại 24 tỉnh, thành phố phía Nam hồi cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua được xem là quyết sách đúng, kịp thời, hợp lòng dân.

 

Gạo hỗ trợ từ Chính phủ đã giúp bà con yên tâm hơn

khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.

 

Hàng triệu người dân trong vùng dịch được nhận gạo hỗ trợ giữa lúc khó khăn nhất. Điều đó không chỉ có ý nghĩa vật chất mà còn nâng cao tinh thần, giúp họ yên tâm chống dịch và sớm chiến thắng dịch Covid-19.

Đúng lúc, đúng thời điểm

Vừa nhận được gạo hỗ trợ của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Rại, sinh 1962, tổ 7, ấp Cây Trôm, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi tâm sự: “Trong lúc khó khăn do dịch Covid-19, nhận được sự hỗ trợ, cái gì cũng quý. Bây giờ có thêm gạo là mừng lắm vì không lo bị đứt bữa. “Mấy hôm trước, gia đình cũng nhận được gạo và rau quả. Nay Nhà nước lại hỗ trợ gạo cho những hộ nghèo, hộ khó khăn, nên rất vui. Nhờ những sự giúp đỡ này, bà con yên tâm hơn khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19”.

Còn với gia đình ông Trần Văn Bảy ở phường 8, TP. Vĩnh Long, khi thành phố   áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, trong lúc chưa biết xoay sở thế nào để lo lương thực, thực phẩm cho 4 miệng ăn, ông được nhận 30 kg gạo do cán bộ, đoàn thể phường mang đến trao tận nhà. “Tôi thực sự rất cảm động không biết nói gì hơn, cảm ơn Chính phủ đã quan tâm hỗ trợ rất kịp thời cho bà con lúc này”.

Thuê nhà đã 4 năm nay ở cuối dãy phòng trọ khu vực dành cho công nhân tại TP. Dĩ An tỉnh Bình Dương, ngay từ đầu mùa dịch thứ tư bùng phát, không theo dòng người về quê, vợ chồng chị Nguyễn Phương Thảo cùng hai con nhỏ chọn phương án ở lại với hy vọng nhanh hết dịch đi làm ca để có tiền trả chủ nhà trọ và nuôi con nhỏ. Thế rồi dịch bùng phát mạnh, kéo dài vượt ngưỡng chịu đựng của nhiều người, gia đình chị Thảo chưa biết dựa vào đâu để sống những ngày tiếp theo trong điều kiện khu dân cư bị phong tỏa. “Đúng lúc, như phép màu, nhà em cùng với gần 40 hộ ở lại, bỗng nhiên có mấy chú bộ đội, phụ nữ phường đến gõ cửa chia từng phần gạo, phần quà cho từng nhà. Ai cũng yên tâm hơn ở nhà chống dịch” - chị Thảo chia sẻ.

Đó cũng là chia sẻ, tâm tư của hàng vạn hộ dân sống trong vùng dịch tại TP. Hồ Chí Minh và khắp các tỉnh, thành phía Nam khi nhận được gạo hỗ trợ từ Chính phủ. Dân gian có câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Thời điểm khó khăn nhất, vài chục kg gạo cùng các nhu yếu phẩm đã kịp thời chia sẻ, động viên giúp bà con thêm ấm lòng yên tâm chống dịch.

Nhanh nhất nhưng phải đúng đối tượng, đúng địa chỉ

TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam những ngày qua là cao điểm của mùa mưa. Không kể nắng, mưa, bằng mọi nỗ lực trong điều kiện có thể, tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, lực lượng tại chỗ gồm: cán bộ công chức xã cùng với tình nguyện viên, lực lượng quân đội… phải chạy đua với thời gian, gấp rút công tác chuẩn bị kho bãi, bốc xếp hàng sau khi nhận bàn giao, tiến hành phân chia gạo thành từng túi 15kg để hỗ trợ kịp thời đến từng hộ dân trên địa bàn. Mục tiêu số 1 là chuyển đến từng hộ dân một cách nhanh nhất, kịp thời nhất.

“Rất mệt nhưng cảm thấy rất vui vì tận mắt chứng kiến nhiều hộ hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, có người F0 được nhận gạo hỗ trợ kịp thời” – chị Nguyễn Thị Yến – cán bộ Hội phụ nữ xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, chia sẻ sau một ngày tham gia dẫn đoàn bộ đội đi phát gạo hỗ trợ cho người dân trên địa bàn.

Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh Lê Thị Ánh Tuyết cho biết, trong đợt này huyện được nhận gần 400 tấn gạo, hỗ trợ cho 26.619 người. Để bảo đảm giao nhận gạo nhanh, giảm tải cho lực lượng tại chỗ của địa phương, trước khi bàn giao, đơn vị dự trữ đã phối hợp với UBND huyện (thông qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) lập phương án giao nhận, theo quyết định phân bổ của UBND thành phố đã giao gạo đến 4 kho được bố trí sẵn. Ngay sau khi tiếp nhận gạo, các xã, thị trấn tiếp tục bố trí xe và phân công lực lượng bốc xếp, vận chuyển gạo về UBND các xã, thị trấn tổng hợp, đối chiếu danh sách, chia nhỏ phần gạo, cấp phát kịp thời cho người dân. 

Ông Hà Minh Trung – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương ghi nhận, trong đợt 1, tỉnh Bình Dương tiếp nhận bàn giao 8.361 tấn gạo từ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Nam Bộ. Trong vòng 10 ngày từ 24/8 - 3/9 đã hoàn thành bàn giao toàn bộ số gạo trên đến từng hộ dân.  Cái khó lớn nhất của Bình Dương so với nhiều địa phương khác là việc cấp phát, bàn giao gạo hỗ trợ đúng thời điểm cách ly ngặt nghèo nhất. 11 xã, phường tại TP. Thuận An và thị xã Tân Uyên đang thực hiện biện pháp “khóa chặt, đông cứng” nên việc tiếp cận, vận chuyển, hỗ trợ gạo cho bà con rất nhiều công đoạn, rất nhiều khó khăn. Trong số 11 đơn vị hành chính trong vùng “khóa chặt, đông cứng” có trên 700 nghìn người dân gồm nhiều đối tượng trong diện được hỗ trợ, trong số đó có tới trên 500 nghìn người là công nhân tại các phòng trọ gặp rất nhiều khó khăn do phải giãn cách lâu ngày, địa phương đã ưu tiên trợ giúp rất kịp thời, động viên giúp họ có thêm niềm tin, ổn định cuộc sống và yên tâm phòng, chống dịch.

Ghi nhận tại Bình Dương, việc triển khai đợt 1 hỗ trợ gạo cho dân trên địa bàn được đánh giá là rất kịp thời đến người dân có hoàn cảnh khó khăn với tinh thần không trùng, không bỏ sót, không để bất kỳ người dân khó khăn nào đang sống trên địa bàn huyện bị thiếu ăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.

Tuy giá trị không lớn nhưng lại đúng thời điểm, đúng lúc người dân vùng dịch đang cần nhất, khó khăn nhất họ được nhận hỗ trợ, nhiều người không thể nói hết bằng lời. Không chỉ với TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương mà khắp nơi trên cả nước, thông điệp cảm thông, chia sẻ của Chính phủ vẫn luôn được thắp sáng, bừng cháy và càng có ý nghĩa hơn trong thời điểm cả nước chung tay chống dịch, lấy lại sự bình yên cho mọi người, mọi nhà.

 

Cấp phát đúng tiến độ, đúng đối tượng thụ hưởng

Quan điểm chỉ đạo của chính quyền TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam trong đợt 1 tiếp nhận, bàn giao gạo hỗ trợ đều nhất quán. Đó là tổ chức thực hiện tiếp nhận và cấp phát đúng tiến độ, đúng đối tượng thụ hưởng, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực; thực hiện công khai cho người dân biết về các nội dung hỗ trợ, chăm lo.

 

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam