Dự trữ quốc gia trong quân đội: Luôn đồng hành cùng tiến trình cách mạng Việt Nam

(02/10/2021)

Đại tá Nguyễn Trung Thành - Phó Cục trưởng,

Cục Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Quốc phòng)  

  

Trong chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển ngành Dự trữ Nhà nước (1956-2021), Dự trữ Nhà nước luôn gắn liền với sự phát triển của cách mạng Việt Nam, đi cùng các cuộc kháng chiến trường chinh của dân tộc và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ngành Dự trữ Nhà nước nói chung, dự trữ quốc gia trong quân đội nói riêng đã có những đóng góp quan trọng vào những chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

 

Đại tá Nguyễn Trung Thành - Phó Cục trưởng, Cục Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Quốc phòng)   
 

Công tác dự trữ quốc gia (DTQG) ở nước ta ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền đã thể hiện rõ 2 mục tiêu: Cứu tế nhân dân và phục vụ công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do. Thời kỳ đó, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta dốc toàn bộ sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngay từ những ngày đầu thành lập chính quyền, lực lượng quân đội đã có những đóng góp quan trọng trong công tác DTQG. Những mặt hàng chủ lực được lực lượng quân đội dự trữ gồm: lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, quân trang, quân dụng, vũ khí, đạn dược trong kho của ngành Quân nhu, quân y, quân giới để phục vụ nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu.

Ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 121/SL quy định tổ chức Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh, trong đó có Tổng cục Cung cấp (tiền thân của Tổng cục Hậu cần ngày nay). Tổng cục Cung cấp có nhiệm vụ trang bị, cấp dưỡng quân đội và sản xuất quốc phòng, trực tiếp chỉ huy các ngành Quân nhu, Quân y, Quân giới, Quân khí, Vận tải quản lý dự trữ các mặt hàng được giao.

Công tác DTQG trong lĩnh vực quốc phòng tiếp tục có bước phát triển mới khi ngày 20/3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 44/QĐ-TM thành lập Cục Vật tư thuộc Bộ Tổng tham mưu để tham mưu về trang bị, vật tư cho Bộ Quốc phòng; bảo đảm đầy đủ, chủ động, kịp thời về vật tư, vũ khí, trang bị phục vụ chiến đấu; giúp Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu vật tư, trang thiết bị chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tham mưu đề xuất với Chính phủ bổ sung nhiệm vụ và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác DTNN trong lĩnh vực quốc phòng.

Thành tựu trong công tác DTQG do Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo, quản lý và triển khai thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành chung của Chính phủ khi ấy đã đóng góp rất quan trọng vào thành công chung của công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Sau chiến thắng vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh (30/4/1975), non sông thu về một mối, Cục Vật tư tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ DTNN trong lĩnh vực quốc phòng. Những thành tựu trong công tác dự trữ phục vụ công cuộc kháng chiến trường chinh tiếp tục được phát huy trong công cuộc cách mạng phát triển kinh tê' xây dựng cơ sở vật chất thực hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên cả nước sau thời kỳ đổi mới.

Trên chặng đường phát triển, DTNN trong quân đội đã ngày càng lớn mạnh. Ngày 24/2/1996, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/CP giao Bộ Quốc phòng dự trữ 7 nhóm mặt hàng vật tư, thiết bị chuyên dụng cho quốc phòng; tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ DTQG của Bộ Quốc phòng để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và sản xuất, sửa chữa. Ngày 24/12/1998, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 249/1998/ QĐ-TTg thành lập Cục Kế hoạch và Đầu tư thuộc Bộ Quốc phòng trên cơ sở sắp xếp lại Cục Vật tư. Đây là dấu mốc quan trọng của ngành kế hoạch và đầu tư trong Bộ Quốc phòng nói chung và công tác DTQG trong Bộ Quốc phòng nói riêng.

Kể từ đó đến nay, các cấp có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác DTQG trong Bộ Quốc phòng như: Luật DTQG số 22/2012/QH13 ngày 20/11/2012 của Quốc hội khóa XIII; Nghị định số 94/2013/ NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật DTQG; Quyết định số 459/1999/QĐ-BQP ngày 9/4/1999 của Bộ Quốc phòng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ và cơ cấu tổ chức của Cục Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Quốc phòng); Quyết định số 129/2007/QD-BQP ngày 27/8/2007 của Bộ Quốc phòng về việc ban hành Quy chế' Quản lý DTQG trong Bộ Quốc phòng...

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, việc huy động nguồn lực DTQG đã giúp cho quân đội chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ đột xuất khi nguồn dự trữ quốc phòng phải huy động hế't. Ví dụ như: Việc bảo đảm vật tư chuyên dùng cho sản xuất vũ khí; thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dự trữ trong lĩnh vực quốc phòng cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức như: Ngân sách nhà nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của Bộ Quốc phòng trong tình hình mới; Nhu cầu dự trữ lớn bảo đảm cho nhiều ngành kỹ thuật, nhưng khả năng cân đối bảo đảm bổ sung dự trữ hàng năm có hạn; Một số trang bị, khí tài quốc phòng dự trữ khó thực hiện luân phiên đổi hàng vì không còn sản xuất hoặc ngân sách không đủ mua bù (nếu xuất sẽ không có trang bị đáp ứng nhiệm vụ khi cần.)

Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ DTQG trong lĩnh vực quốc phòng, cũng như khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới cần thường xuyên cập nhật, bổ sung các mặt hàng DTQG chiến lược; Nâng cấp các kho DTQG theo hướng hiện đại, để nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác quản lý, bảo quản hàng DTQG...

Trong hành trình 65 năm phát triển và trưởng thành của ngành DTNN, đóng góp vào thành tích chung của Ngành là các thế hệ cán bộ, chiến sĩ làm công tác DTNN trong Bộ Quốc phòng. Trong giai đoạn mới, các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ DTQG trong Bộ Quốc phòng tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đáp ứng cho các nhu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của toàn quân...

 



Các tin đã đưa ngày: