Kịp thời xuất cấp hàng dự trữ ứng phó với sự cố thiên tai

(14/10/2020)

Trong những năm qua, thời tiết ngày càng có những diễn biến phức tạp theo hướng cực đoan khó lường, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xuất cấp trang thiết bị để hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, với tổng giá trị hơn 1 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân...

 

Bộ đội và cán bộ của Chi cục Dự trữ Nhà nước Thanh Oai (Hà Nội) chuyển nhà bạt lên xe

 

Việc Chính phủ xuất cấp kịp thời trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho các bộ, ngành địa phương ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Ứng cứu kịp thời trong mọi tình huống

Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN), trong những năm qua, tổng cục đã chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc kịp thời giúp các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác mua nhập, xuất cấp hàng dự trữ. Tổng cục DTNN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Quy chế quản lý, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia; xây dựng quy hoạch hệ thống kho dự trữ quốc gia theo vùng, tuyến chiến lược phù hợp với điều kiện kinh tế - quốc phòng, góp phần quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Hàng năm, Tổng cục DTNN phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia và các vụ, cục thuộc Bộ Tài chính thường xuyên tổng kết thực tiễn về nhu cầu sử dụng dự trữ quốc gia, thực hiện rà soát danh mục, xây dựng tổng mức dự trữ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch dự trữ quốc gia của toàn ngành; bảo đảm tăng cường tiềm lực cho dự trữ quốc gia.

Việc tổ chức mua sắm hàng dự trữ quốc gia (DTQG) giai đoạn 2015 - 2020 được thực hiện theo đúng các quy định của Luật Đấu thầu, Luật NSNN và các quy định đặc thù của các bộ, ngành (ngành Công an, Quốc phòng). Công tác tổ chức nhập hàng đảm bảo theo đúng quy định, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Các danh mục mặt hàng đưa vào DTQG đều là những mặt hàng thiết yếu, quan trọng, các phương tiện, thiết bị đặc chủng, hiện đại, công nghệ tiên tiến, bảo đảm yêu cầu kinh tế - kỹ thuật và phù hợp với tình hình thực tế.

Đặc biệt, trong những năm qua, thời tiết ngày càng có những diễn biến phức tạp theo hướng cực đoan khó lường. Mỗi năm có đến hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta; mưa lũ cục bộ tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung đã gây ra lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng nghiêm trọng như ở Mường La (tỉnh Sơn La), Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) và Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình).

Bên cạnh đó là tình hình hạn hán, nghiêm trọng ở các tỉnh Nam Trung Bộ, cháy rừng ở các tỉnh miền Trung, mưa giông, lốc kèm theo mưa đá tại nhiều địa phương gây hư hỏng nhiều nhà ở; tai nạn, sự cố nghiêm trọng có chiều hướng tăng.

Các sự cố, thiên tai, tai nạn xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trước tình trạng đó, Chính phủ xuất cấp kịp thời trang thiết bị từ nguồn DTQG để hỗ trợ cho các bộ, ngành địa phương. Cụ thể, từ năm 2016 đến tháng 5/2020, Tổng cục DTNN đã xuất cấp trang thiết bị để hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, với tổng giá trị 1.131,9 tỷ đồng.

Góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản

Tổng cục DTNN cho biết, việc xuất cấp trang thiết bị vật tư cứu hộ, cứu nạn hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương ứng phó với các sự cố thiên tai xảy ra đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và của nhân dân. Các danh mục vật tư, thiết bị do Tổng cục DTNN đầu tư mua sắm theo hướng tiên tiến, hiện đại phù hợp với công tác ứng phó với các sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho hàng DTQG luôn sẵn sàng xuất cấp hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra; đảm bảo thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nên giảm thiểu được thiệt hại về người, tài sản của nhân dân; đáp ứng kịp thời giải quyết khó khăn trong đời sống của người dân, giúp người dân sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống, an sinh xã hội và đảm bảo được an ninh quốc phòng trên địa bàn và thực hiện các nhiệm vụ chính trị đối ngoại, viện trợ quốc tế.

Để triển khai tốt công tác xuất cấp vật tư, thiết bị, hỗ trợ các bộ, ngành địa phương phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, ngành DTNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để rà soát báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung danh mục mặt hàng cần đưa vào dự trữ quốc gia để kịp thời ứng cứu trong mọi tình huống thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh xảy ra.

Đồng thời, Tổng cục DTNN phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, sử dụng hàng dự trữ quốc gia đã được trang cấp; bảo đảm nguyên tắc: quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, sẵn sàng chủ động để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu kịp thời khi có các tình huống thiên tai.

 

Minh Thư - Thời báo Tài chính Việt Nam



Các tin đã đưa ngày: