Bổ sung thiết bị, vật tư y tế vào danh mục hàng dự trữ quốc gia: Không ảnh hưởng tới cân đối ngân sách

(14/09/2020)

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết về bổ sung thiết bị, vật tư y tế vào danh mục hàng dự trữ quốc gia.
 
 
Việc có ngay lượng lớn thiết bị, vật tư y tế từ nguồn dự trữ quốc gia là rất cần thiết.
 

Ông Nguyễn Văn Bình – Vụ trưởng Vụ Chính sách - pháp chế, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã trao đổi với phóng viên TBTCVN xung quanh nội dung này.

PV: Theo ông, tính cấp thiết bổ sung các mặt hàng thiết bị, vật tư vào danh mục hàng dự trữ quốc gia (DTQG) như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Bình: Theo các quy định hiện hành về mục tiêu DTQG, tiêu chí và danh mục hàng DTQG, việc bổ sung nhóm hàng này hoàn toàn phù hợp.

Tại điều 3, Luật DTQG quy định, mục tiêu DTQG là nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng an ninh.

Điều 27 của Luật DTQG cũng quy định, các mặt hàng thuộc danh mục hàng DTQG phải đáp ứng mục tiêu nêu trên và đáp ứng một trong các tiêu chí, như: là mặt hàng chiến lược, thiết yếu, có tần suất sử dụng nhiều, có tác dụng ứng phó kịp thời trong các tình huống đột xuất cấp bách; hay là mặt hàng đặc chủng, không thể thay thế; là vật tư, thiết bị, hàng hóa đảm bảo quốc phòng, an ninh mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại…

Việc bổ sung quy định này cũng làm cho pháp luật về DTQG đồng bộ, thống nhất với pháp luật về phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm, vì tại Điều 61 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm có quy định: Nhà nước thực hiện việc DTQG về kinh phí, thuốc, hóa chất, thiết bị để phòng chống dịch. Việc xây dựng, tổ chức, quản lý, điều hành và sử dụng DTQG để phòng chống dịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về DTQG”.

Xét ở góc độ xã hội cho thấy, việc có ngay lượng lớn thiết bị, vật tư y tế từ nguồn DTQG là rất cần thiết, bởi tất cả tình huống xảy ra về y tế đều liên quan tới các yêu cầu cấp bách, đột xuất. Thực tế, trong những năm gần đây trên thế giới cũng như ở trong nước, biến đổi khí hậu làm tăng thiên tai, thảm họa bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, sóng thần,… Bên cạnh đó,  chúng ta phải đối mặt với nhiều sự cố cấp bách ở diện rộng, như: dịch bệnh, cháy nổ, sập nhà,… số lượng thương vong về người lớn, cần phải có khối lượng lớn về vật tư, thiết bị để tập trung cứu chữa người bệnh. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay cũng như ở nhiều nước trên thế giới, nguồn vật tư, thiết bị y tế lưu thông thường xuyên ở các cơ sở y tế không đủ đáp ứng, lúc đó buộc phải có các nguồn như DTQG để đáp ứng tình huống đột xuất, cấp bách.

Ví dụ cụ thể như hiện nay tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, nguồn vật tư, thiết bị y tế dự trữ thường xuyên như: phương tiện bảo hộ cá nhân cho y tế, máy thở,… của các cơ sở tế trong nước không đủ đáp ứng. Để xử lý tình huống về y tế này, Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp như: tuyên truyền, vận động, kêu gọi sự chung tay ủng hộ của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà tài trợ trong nước và nước ngoài về tiền, thiết bị, vật tư y tế  (khẩu trang y tế, máy thở,…) để phòng dịch, cứu chữa cho những người đã bị lây, nhiễm bệnh.

Từ thực tiễn đặt ra cần phải dự trữ thiết bị, vật tư y tế. Tuy nhiên, câu hỏi khó nhất đặt ra là đưa thiết bị, vật tư nào vào kho hàng DTQG, bởi hàng DTQG phải đảm bảo mục tiêu phục vụ các yêu cầu cấp bách, đồng thời đảm bảo chất lượng, thời hạn sử dụng của thiết bị, vật tư y tế.

Về mặt chính sách, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định pháp luật mặt tiêu chí, còn lựa chọn vật tư, thiết bị gì thì phải xuất phát từ các đơn vị của Bộ Y tế. Hiện Bộ Y tế đang rà soát, xây dựng danh mục chi tiết các thiết bị, vật tư để đưa vào DTQG, vừa đáp ứng tình huống cấp bách, đột xuất xảy ra về y tế  vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế, không bị lãng phí.

PV: Được biết, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ về nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đã nhận được sự đồng thuận của 22/25 thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, điều kiện nguồn nhân lực cũng rất quan trọng để đảm bảo thi hành Nghị quyết. Khi thi hành nghị quyết, liệu có phát sinh biên chế và tổ chức bộ máy không thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bình: Việc ban hành nghị quyết này không làm phát sinh về biên chế và tổ chức bộ máy. Bởi sau khi nghị quyết được thông qua, Chính phủ sẽ sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 và phân công Bộ Y tế thực hiện quản lý nhóm hàng thiết bị, vật tư y tế. Bộ Y tế có thể trực tiếp bảo quản các mặt hàng này (khoản 1 Điều 19 Luật DTQG) hoặc lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện để ký hợp đồng thuê bảo quản theo quy định tại Điều 52, Điều 53 Luật DTQG).

PV: Vậy nguồn lực tài chính để đảm bảo thi hành nghị quyết có ảnh hưởng tới cân đối ngân sách nhà nước hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bình: Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới chỉ là một trong những căn cứ pháp lý để từng bước đưa mặt hàng này vào dự trữ. Để thực hiện mua hàng đưa vào DTQG còn phải căn cứ vào kế hoạch DTQG hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở chiến lược DTQG, khả năng cân đối ngân sách nhà nước và tình hình thực tế (nhất là dự báo về thiên tai, thảm họa, dịch bệnh,…).

Mục tiêu chiến lược về mức DTQG theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị đến năm 2015 đạt 0,8%  - 1% GDP; đến năm 2035 đạt 1,5% GDP, đến năm 2045 đạt 2% GDP. Trong khi đó, mức DTQG của chúng ta còn thấp so với mục tiêu chiến lược.

Ngân sách nhà nước chi cho mua hàng DTQG thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm do Quốc hội thông qua. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ dựa trên đánh giá, dự báo về thiên tai, thảm họa, dịch bệnh,… và khả năng cân đối ngân sách nhà nước để quyết định và điều hành kế hoạch DTQG cho phù hợp với từng thời kỳ, trong đó sẽ cân nhắc ưu tiên mua mặt hàng nào đưa vào dự trữ. 

Do đó, việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào danh mục hàng DTQG không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mục tiêu chiến lược về dự trữ quốc gia

Mục tiêu chiến lược về mức dự trữ quốc gia theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị đến năm 2015 đạt 0,8%  - 1% GDP; đến năm 2035 đạt 1,5% GDP, đến năm 2045 đạt 2% GDP. Trong khi đó, mức dự trữ quốc gia của chúng ta còn thấp so với mục tiêu chiến lược.

 
 
Đức Minh - Thời báo Tài chính Việt Nam


Các tin đã đưa ngày: