Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về nguồn tài lực nói chung và nguồn lực dự trữ quốc gia nói riêng trong Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị

(17/03/2020)

Ngày 12/3/2020, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Căn cứ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đã cụ thể hóa thành Chương trình hành động với những nội dung chủ yếu liên quan đến nguồn lực tài chính nói chung (nguồn tài lực)nguồn lực dự trữ quốc gia nói riêng như sau:

Về mục tiêu cụ thể đối với nguồn tài lực

- Đến năm 2025:

+ Giữ vững an ninh tài chính quốc gia; bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu - chi ngân sách nhà nước. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

+ Đến năm 2020 cơ bản hoàn thành và đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước; hoàn thành di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch đã được phê duyệt.

+ Đến năm 2025 mức dự trữ quốc gia đạt 0,8% - 1,0% GDP. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt 55% GDP.

- Đến năm 2035:

+ Mức dự trữ quốc gia đạt 1,5% GDP; (ii) Dư nợ thị trường trái phiếu đạt 70% GDP. Nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 20% - 30% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn.

+ Thu ngân sách nhà nước về đất đai đạt 10%, thu từ khai thác tài sản công đạt 5% tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm.

- Đến năm 2045:

+ Mức dự trữ quốc gia đạt 2% GDP. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt 80% GDP. Nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 30% - 50% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn.

+ Giữ ổn định thu ngân sách nhà nước về đất đai đạt 10%, thu từ khai thác tài sản công đạt 5% - 7% tổng thu ngân sách nhà nước.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với nguồn tài lực

- Về quản lý nợ công, Bộ Tài chính: (i) Tiếp tục thực hiện quyết liệt quan điểm chỉ đạo và chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị. (ii) Tổ chức đối chiếu, rà soát, đánh giá, tổng hợp nhu cầu vay của các bộ ngành, địa phương và các đơn vị sử dụng vốn vay công để dự báo tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ sau năm 2020; triển khai các công cụ quản: lý nợ chủ động phục vụ việc xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định. (iii) Triển khai nghiệp vụ cơ cấu lại danh mục nợ trái phiếu chính phủ; nghiên cứu xây dựng Đề án cơ cấu lại khoản trái phiếu quốc tế của Chính phủ đến hạn năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. (iv) Tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, thị trường trái phiếu chính phủ cả về chiều rộng và chiều sâu theo hướng đa dạng hóa công cụ nợ và cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu. (v) Xây dựng Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nợ công nhằm hiện đại hóa công tác quản lý nguồn vốn vay nước ngoài thông qua nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, bảo đảm thường xuyên, kịp thời cập nhật việc đàm phán, ký kết, triển khai thực hiện, tình hình giải ngân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Về lĩnh vực ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giữ vững an ninh tài chính quốc gia; bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, theo hướng giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, trong đó thực hiện đồng bộ các giải pháp: (i) Về thu ngân sách nhà nước: Hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường…(ii) Về chi ngân sách nhà nước: Đổi mới quản lý chi ngân sách nhà nước phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xác định rõ vai trò, chức năng của nhà nước và thị trường; rà soát các chính sách xã hội, an sinh xã hội để bảo đảm sử dụng ngân sách tập trung và có hiệu quả. Nâng cao hiệu quả chi ngân sách, từng bước triển khai quản lý chi ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

- Về kinh phí cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: (i) Đảm bảo bố trí không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường theo đúng Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. (ii)  Huy động tối đa nguồn vốn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa lĩnh vực môi trường theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến nghị xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường.

- Về phát triển thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương: (i) Tăng quy mô, độ sâu và tính thanh khoản của thị trường trái phiếu; nâng cao chất lượng hàng hóa và nghiên cứu, triển khai các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của thị trường, đảm bảo tính ổn định thanh khoản của các thị trường cấu phần. (ii) Đa dạng hóa các nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư có tổ chức, khuyến khích đầu tư nước ngoài dài hạn, nâng cao chất lượng nhà đầu tư cá nhân, đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư có tổ chức, giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển của các nhà đầu tư chuyên nghiệp. (iii) Tăng tính hiệu quả và công khai, minh bạch của thị trường; hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy về quản trị điều hành, quản trị rủi ro để nâng cao hiệu quả bộ máy tổ chức và hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin hiện đại cho thị trường, tạo khả năng kết nối với các thị trường trong khu vực và trên thế giới; tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước.

- Về lĩnh vực chứng khoán, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương: (i) Hoàn thiện khung khổ pháp lý trọng tâm là Luật Chứng khoán đồng bộ với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, theo hướng đơn giản hóa về điều kiện và hồ sơ phát hành gắn với tăng cường nghĩa vụ công bố thông tin của tổ chức phát hành; rút ngắn quy trình chấp thuận niêm yết, phát hành, giao dịch cổ phiếu, trái phiếu để thúc đẩy các doanh nghiệp huy động vốn và các nhà đầu tư tham: gia vào thị trường vốn; tăng cường thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán nhà nước trong thanh tra và xử lý vi phạm, nâng mức phạt tiền tối đa trong xử phạt hành chính. (ii)  Tập trung thực hiện các giải pháp tái cơ cấu thị trường chứng khoán theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Tái cơ cấu thị trường giao dịch chứng khoán trong đó có sắp xếp Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh để thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. (iii) Tiếp tục triển khai các sản phẩm phát sinh và sản phẩm chứng quyền có bảo đảm; rà soát bộ chỉ số VN30 và nghiên cứu xây dựng các chỉ số mới. (iv) Phát triển cơ sở nhà đầu tư trên thị trường vốn, gồm các định chế đầu tư chuyên nghiệp và cá nhân đầu tư chuyên nghiệp. Ưu tiên sự tham gia của các nhà đầu tư dài hạn để tạo cầu đầu tư bền vững trên thị trường vốn. (v) Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường phối hợp giữa cơ quan quản lý và các Sở giao dịch chứng khoán trong giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về thao túng, nội gián, gian lận, vi phạm nghĩa vụ minh bạch thông tin.

- Về lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương: (i) Hoàn thiện thể chế phát triển thị trường bảo hiểm theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết của Chính phủ, trọng tâm là sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm vào năm 2020; (ii) đa dạng các dòng sản phẩm mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân; (iii) nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng việc chuyển đổi mô hình quản lý bảo hiểm theo hướng hiện đại hóa; (iv) nâng cao tính minh bạch thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm và đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm; (v) phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thị trường bảo hiểm; v.v..

- Về lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước quy định về thu, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

- Về quản lý tài sản công, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương: (i) Xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, hướng tới xây dựng Bộ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn. (ii) Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, khai thác tài nguyên, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng. (iii) Mở rộng, nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công; xây dựng phần mềm theo dõi, quản lý việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. (iv) Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. (v) Khẩn trương hoàn thành việc lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; tổ chức rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cập nhật thông tin sắp xếp nhà, đất vào phần mềm do Bộ Tài chính xây dựng, vận hành. (vi) Chủ động rà soát toàn bộ tài sản công thuộc phạm vi quản lý; trên cơ sở đó thực hiện việc khai thác tài sản công hiệu quả, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí.

- Về lĩnh vực dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp sau:

(i) Rà soát, đánh giá Luật Dự trữ quốc gia và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về dự trữ quốc gia; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật các mặt hàng dự trữ quốc gia, làm cơ sở cho việc quản lý điều hành hoạt động dự trữ quốc gia.

Trong năm 2023-2025, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) rà soát, đánh giá Luật Dự trữ quốc gia và trình cấp có thẩm quyền Luật sửa đổi, bổ sung Luật Dự trữ quốc gia.

Hàng năm, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Dự trữ quốc gia; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật các mặt hàng dự trữ quốc gia.

(ii) Xây dựng Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030, định hướng đến năm 2040; quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia đến năm 2030; đồng thời xây dựng và hoàn thiện quy hoạch chi tiết hệ thống kho dự trữ quốc gia đến năm 2030.

Trong năm 2020, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ đề án Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 và đề án Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia đến năm 2030.

Trong năm 2020-2022, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia xây dựng và ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết hệ thống kho dự trữ quốc gia đến năm 2030.

(iii) Tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia theo hướng: Tập trung vào những mặt hàng thiết yếu, chiến lược, có giá trị kinh tế cao, tần suất sử dụng nhiều; phối hợp với các địa phương chủ động bố trí nguồn lực dự trữ quốc gia; định kỳ hàng năm rà soát điều chỉnh danh mục hàng dự trữ quốc gia, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, đảm bảo đáp ứng mục tiêu của dự trữ quốc gia.  Huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước để tăng cường quỹ dự trữ quốc gia. Tăng cường nguồn lực từ ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng, kho tàng dự trữ quốc gia theo hướng hiện đại. Nghiên cứu ban hành chính sách huy động nguồn vốn đầu tư theo hướng xã hội hóa, cơ chế ưu tiên đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư như hỗ trợ pháp lý, thuế, đất đai và các hỗ trợ khác.

Hàng năm, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia xây dựng kế hoạch dự trữ quốc gia hàng năm và 5 năm theo hướng tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia để đáp ứng mục tiêu của dự trữ quốc gia và các nhiệm vụ khác được giao. Huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước để tăng cường quỹ dự trữ quốc gia, đảm bảo đáp ứng mục tiêu đã quy định. Tăng cường nguồn lực từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng và kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia theo quy hoạch được phê duyệt./.

 

Nguyễn Văn Bình



Các tin đã đưa ngày: