Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, giám sát, bảo quản, sử dụng hàng dự trữ quốc gia xuất cấp hỗ trợ các địa phương theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

(22/08/2019)

Trong thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Tổng cục DTNN đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh triển khai xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ dịp Tết Nguyên đán, thời gian giáp hạt, hỗ trợ học sinh các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và người dân tham gia các Dự án trồng rừng. Với sự quan tâm, phối hợp chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện của Ủy ban nhân dân các tỉnh, các đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ và các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, công tác xuất cấp hàng dự trữ quốc gia được bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng; hàng dự trữ quốc gia được giao nhận kịp thời, bảo đảm số lượng, chất lượng, theo đúng kế hoạch phân bổ của các địa phương; đáp ứng được mục đích hỗ trợ theo quy định của Luật dự trữ quốc gia và nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

 

 

Tuy nhiên, với mục tiêu tăng cường công tác phối hợp trong việc quản lý, giám sát việc sử dụng, bảo quản nguồn lực dự trữ quốc gia của Chính phủ hỗ trợ cho các địa phương, ngày19/8/2019 Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 9635/BTC-TCDT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong đó ngoài việc yêu cầu các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị  tổ chức triển khai thực hiện tốt quy định về quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng dự trữ quốc gia xuất để cứu trợ, viện trợ và quản lý kinh phí đảm bảo cho công tác xuất cấp, giao nhận hàng cứu trợ, viện trợ theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 211/2013/TT-BTC ngày 30/12/2013 và Thông tư số 82/2016/TT-BTC ngày 16/6/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 211/2013/TT-BTC, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tiếp tục phối hợp, triển khai thực hiện một số nội dung gồm: (i) Chỉ đạo, hướng dẫn các Sở, ban, ngành của địa phương phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Dự trữ Nhà nước và các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực được giao nhiệm vụ xuất gạo (hoặc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực phụ trách địa bàn) để có kế hoạch xuất kho, vận chuyển, giao gạo kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng chính sách; (ii) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình phân bổ, tiếp nhận, quản lý, sử dụng, bảo quản gạo; các bên giao nhận gạo thực hiện lập Biên bản giao, nhận gạo (theo đúng mẫu biên bản quy định về giao, nhận gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho các địa phương); tổ chức lấy mẫu gạo và thống nhất niêm phong mẫu gạo; mẫu gạo được lưu giữ, quản lý, bảo quản tại bên giao, bên nhận để đối chứng trong trường hợp có phản ánh về chất lượng gạo; (iii) Tăng cường công tác tác tuyên truyền, giải thích đến các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về mục đích, ý nghĩa của các chính sách hỗ trợ gạo của Chính phủ; tiêu chuẩn, chất lượng, phương thức bảo quản gạo dự trữ quốc gia; tư vấn, hướng dẫn công tác bảo quản gạo dự trữ quốc gia sau khi tiếp nhận để bảo đảm an toàn chất lượng trong suốt thời gian sử dụng để phối hợp thực hiện và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh (nếu có).

 

 

Đồng thời, để thực hiện tốt nhiệm vụ xuất cấp hàng dự trữ quốc gia, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng đã chỉ đạo các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực quán triệt đến cán bộ công chức tại cơ quan đơn vị chủ động phối hợp với các địa phương để bảo đảm thực hiện tốt công tác xuất cấp, giao nhận, quản lý, bảo quản hàng dự trữ quốc gia theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và quy định của Pháp luật hiện hành./.

 

               Vụ Quản lý hàng dự trữ

 


Tài liệu đính kèm: