Tổng cục Dự trữ Nhà nước: Không ngừng đổi mới, hoàn thiện công tác tài chính

(14/01/2019)

“Để thực hiện Chiến lược phát triển Dự trữ Quốc gia (DTQG) thì nguồn lực từ ngân sách nhà nước (NSNN) bố trí cho công tác quản lý Dự trữ Nhà nước (DTNN) chắc chắn sẽ ngày càng tăng so với trước đây. Do đó, công tác quản lý tài chính DTQG luôn có sự đổi mới, hoàn thiện cho phù hợp, đáp ứng được yêu cầu đặt ra” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Bùi Thúy Ngọc đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi mới đây với Cổng thông tin điện tử DTNN về những định hướng, giải pháp hoàn thiện công tác tài chính tại Tổng cục DTNN mới đây.

 

Bà Bùi Thuý Ngọc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước trả lời

phỏng vấn Cổng Thông tin Điện tử Dự trữ Nhà nước

 

Công tác tài chính góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ

Những năm gần đây, công tác quản lý tài chính của Tổng cục DTNN đã dần đi vào nề nếp, đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định quản lý tài chính hiện hành, tiết kiệm và có hiệu quả góp phần quan trọng vào thành tích thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành dự trữ nói chung và Tổng cục Dự trữ nói riêng. Theo bà Bùi Thúy Ngọc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, những kết quả đạt được trong quản lý tài chính ở tổng cục thể hiện rõ nét trên nhiều mặt công tác. Cụ thể:

- Đối với quản lý vốn mua hàng DTQG, trong 5 năm qua, Tổng cục đã thực hiện quản lý chặt chẽ, điều phối hiệu quả nguồn kinh phí vốn mua hàng DTQG. Kết quả toàn ngành DTQG đã thực hiện hàng chục nghìn giao dịch mua/bán hàng DTQG, đảm bảo quản lý chặt chẽ, không để xảy ra thất thoát tổng số vốn mua hàng lên tới gần… nghìn tỷ đồng, trong đó, riêng tổng số vốn mua hàng DTQG do Tổng cục quản lý lên tới gần 11 nghìn tỷ. Bên cạnh đó, trong điều kiện vốn mua hàng luôn trong tình trạng thiếu, không kịp thời đáp ứng nhu cầu mua theo kế hoạch, Tổng cục đã thực hiện tốt công tác điều phối nguồn tiền giữa các đơn vị DTQG trực thuộc Tổng cục, đồng thời chủ động vay tạm ứng tồn ngân NSNN để đảm bảo đáp ứng vốn mua hàng (đặc biệt là vốn mua lương thực DTQG) góp phần quan trọng vào thành tích thực hiện nhiệm vụ chính trị – hoàn thành kế hoạch mua hàng DTQG của Tổng cục.

- Đối với quản lý kinh phí nhập, xuất, bảo quản, trong 5 năm qua, Tổng cục đã phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG và các đơn vị liên quan trình Bộ Tài chính ban hành định mức nhập, xuất, bảo quản cho nhiều mặt hàng DTQG, trong đó bao gồm định mức nhập, xuất, bảo quản các mặt hàng DTQG do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý tại Thông tư số 160/2015/TT-BTC và Thông tư số 161/2015/TT-BTC. Hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật mới ban hành giúp quản lý kinh phí nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG chặt chẽ và có hiệu quả, đồng thời đảm bảo tính chủ động của các bộ, ngành và các đơn vị trực thuộc bộ, ngành được giao nhiệm vụ quản lý hàng DTQG. Trong 5 năm qua, tổng số kinh phí nhập, xuất, bảo quản được quản lý, cấp phát cho hoạt động ngành DTQG hàng ngàn tỷ đồng.  Riêng đối với kinh phí nhập, xuất, bảo quản các mặt hàng do Tổng cục trực tiếp quản lý, Tổng cục đã ban hành Quyết định số 1059/QĐ-TCDT và Quyết định số 1060/QĐ-TCDT quy định chi tiết mức chi cho các nhóm nội dung chi nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý. Các văn bản này đã hỗ trợ việc quản lý kinh phí nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG tại Tổng cục chặt chẽ, hiệu quả, số kinh phí tiết kiệm tăng cao tạo nguồn để đầu tư, phát triển cơ sở vật chất và nâng cao đời sống của cán bộ, công chức trong toàn Tổng cục. Trong 5 năm trở lại đây, tổng kinh phí tiết kiệm từ phí nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG do Tổng cục trực tiếp quản lý chiếm khoảng 30% tổng kinh phí nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG theo định mức quy định.

Số kinh phí tiết kiệm được từ phí nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG của toàn tổng cục  được quản lý, phân bổ và sử dụng hiệu quả theo quy định tại Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ tiết kiệm phí tại Tổng cục DTNN ban hành kèm theo Quyết định số 639/QĐ-TCDT ngày 27/7/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN. Trong 5 năm qua, tổng số kinh phí tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng đã được sử dụng để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống của cán bộ, công chức Tổng cục và tăng cường cơ sở vật chất, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển Tổng cục DTNN nói riêng và toàn ngành DTNN nói chung.

- Đối với kinh phí hoạt động thường xuyên, với việc ban hành các văn bản hướng dẫn nội ngành chi tiết, hướng dẫn đồng bộ từ khâu lập, phân bổ dự toán đến khâu quản lý, sử dụng kinh phí, công tác quản lý chi hoạt động thường xuyên tại Tổng cục DTNN ngày càng hoàn thiện và hiệu quả hơn. Thực hiện chế độ tự chủ, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN phân bổ giao dự toán để Thủ trưởng các đơn vị dự toán thuộc Tổng cục là người đứng đầu cơ quan đã chủ động hơn trong công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chủ động sử dụng kinh phí được giao để hoàn thành nhiệm vụ; bổ trí kinh phí phù hơp, hiệu quả khi triển khai thực hiện, từ đó công việc được giải quyết  nhanh hơn, chủ động hơn.Do được tự chủ sử dụng kinh phí được giao nên Lãnh đạo, cũng như cán bộ công chức đã quán triệt sử dụng kinh phí đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả hơn, không còn tình trạng “chạy” kinh phí còn dư cuối năm đế chi tiêu cho hết mặc dù việc chi tiêu đó chưa thực sự cần thiết.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng Bà Bùi Thúy Ngọc vẫn thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý tài chính của Tổng cục DTNN và các đơn vị dự toán các cấp thuộc Tổng cục DTNN còn một số hạn chế như công tác xây dựng dự toán, thẩm định dự toán trong một số đơn vị chưa sát với thực tế, dẫn đến tình trạng phải điều chỉnh dự toán nhiều lần trong năm…

Nâng cao chất lượng, quả công tác quản lý tài chính

Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 đã nêu rõ mục tiêu: “Tăng cường tiềm lực DTQG, đảm bảo đến năm 2020 đạt khoảng 1,5%GDP. Sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ động viên công nghiệp; đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng; bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội; tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác…”.

Để thực hiện Chiến lược phát triển DTQG thì nguồn lực từ NSNN bố trí cho công tác quản lý DTNN chắc chắn sẽ ngày càng tăng so với trước đây. Do đó, công tác quản lý tài chính DTQG cần phải có sự đổi mới, hoàn thiện cho phù hợp, đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Đứng trước nhiệm vụ đó, bà Bùi Thúy Ngọc cho biết, công tác quản lý tài chính trong hệ thống DTNN không ngừng hoàn thiện theo định hướng. Một là, thực hiện triệt để phương thức cấp phát, sử dụng NSNN theo dự toán được duyệt, đồng thời mở rộng phạm vi, đối tượng thực hiện phương thức cấp phát này đối với đơn vị thực hiện khoán biên chế và chi phí quản lý hành chính; quản lý cấp phát theo kết quả đầu ra của công việc,... sự kết hợp giữa quản lý cấp phát, kiểm soát chi theo dự toán và khoán chi sẽ ngày càng nhuần nhuyễn hơn, tạo ra cơ chế quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra thay vì quản lý theo đầu vào như hiện nay.

          Hai là, đẩy mạnh việc khoán biên chế và chi phí quản lý hành chính cho các đơn vị trực thuộc. Tạo quyền chủ động cho các đơn vị sử dụng ngân sách hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, nhằm mục đích tiết kiệm và tăng thu nhập cho người lao động trong đơn vị.

Trao đổi cụ thể hơn về giải pháp hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Phó Tổng cục trưởng Bùi Thúy Ngọc nhấn mạnh, trước hết sẽ nâng cao hiệu quả, giảm chi phí, thực hành tiết kiệm trong việc sử dụng biên chế. Trong đó, việc quan trọng là rà soát lại toàn bộ bộ máy quản lý, chức năng, loại bỏ sự chồng chéo, trùng lặp về nhiệm vụ sao cho bộ máy được tinh gọn giúp cho việc phân định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan, của đơn vị tập thể, của cá nhân tạo điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng công việc…

Phó Tổng cục trưởng Bùi Thúy Ngọc cũng nhấn mạnh việc sử dụng phương thức cấp phát NSNN theo dự toán được duyệt có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý sử dụng ngân sách đối với Tổng cục DTNN. Theo bà, để phương thức cấp phát NSNN theo dự toán đạt được hiệu quả thì tất nhiên kèm theo nó là chất lượng dự toán phải được nâng cao. Như việc nâng cao nhận thức của các đơn vị sử dụng ngân sách; các cơ quan thẩm tra dự toán; xây dựng tiêu chuấn định mức chi, phân bồ dự toán; cần gắn dự toán NSNN với các chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, kế hoạch tài chính trung và dài hạn, chính sách phát triển xã hội.

Bên cạnh đó, mặc dù đã từng bước xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ hoàn chỉnh theo quy định nhưng trong thời gian tới, cần thiết phải xây dựng được Quy chế quản lý hành chính và chi tiêu nội bộ chi tiết kèm theo các quy định về chế độ họp, hội nghị, hội thảo; quy định về quản lý và sử dụng ôtô; quy định về thực hành tiết kiệm điện, quy định về bảo vệ cơ quan, định mức phân bổ và sử dụng văn phòng phẩm, điện thoại đối với từng phòng, ban, quy chế đi công tác và thanh toán tiền công tác phí, ...

Ngoài các biện pháp trên, Phó Tổng cục trưởng Bùi Thúy Ngọc khẳng định, việc phát triển cơ chế cấp phát ngân sách theo kết quả đầu ra; đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý chi NSNN; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tài chính; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát công tác tài chính, kế toán… cũng rất cần được đẩy mạnh hơn nữa./.

 

Nguyễn Hồng Sâm