Thực hiện chính sách pháp luật về dự trữ quốc gia: Nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực dự trữ quốc gia

(08/07/2015)

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước, TS. PHẠM PHAN DŨNG, Luật Dự trữ quốc gia (DTQG) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tư, QH Khóa XIII đã khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh DTQG trước đây, tạo điều kiện trong việc chủ động xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai thực hiện, giải quyết kịp thời các tình huống đột xuất phát sinh nhằm nâng cao hiệu quả xã hội của hoạt động DTQG.

- Thưa ông, hai năm thực thi Luật DTQG là khoảng thời gian không nhiều, song theo đánh giá của các địa phương, hiện hệ thống pháp luật về DTQG đã thực sự đi vào cuộc sống, là cơ sở pháp lý để thực hiện tốt các hoạt động DTQG?

- Trước hết phải khẳng định Luật DTQG được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tư, QH Khóa XIII, ngày 20.11.2012 đã khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh DTQG trước đây, tạo điều kiện trong việc chủ động xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai thực hiện, giải quyết kịp thời các tình huống đột xuất phát sinh. Giữa đơn vị quản lý nhà nước và các đơn vị được phân công quản lý hàng DTQG đã phối hợp chặt chẽ nhằm nâng cao hiệu quả xã hội hoạt động DTQG.

Nhận thức rõ tầm quan trọng là hành lang pháp lý cao nhất, là động lực quan trọng đối với hoạt động DTQG, ngay từ khi Luật DTQG có hiệu lực (ngày 1.7.2013), Bộ Tài chính giao Tổng cục DTNN xây dựng những văn bản hướng dẫn thực hiện Luật. Nhờ đó, sau 2 năm hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật DTQG về cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động DTQG và phù hợp với pháp luật và điều kiện thực tiễn của nước ta. Các nghị định quy định chi tiết một số điều của luật, các quyết định về Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG và hàng loạt thông tư hướng dẫn về kế hoạch, về chi ngân sách nhà nước, về kế toán đối với hoạt động DTQG, về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng DTQG; các quy định nội ngành, các định mức kinh tế kỹ thuật...

- Mặc dù Luật DTQG đã đi vào cuộc sống, thế nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, trong quá trình thực hiện còn một số nội dung cần hướng dẫn đồng bộ, phù hợp với quy định của Luật DTQG, quan điểm của ông thế nào về ý kiến trên?

- Tôi hoàn toàn đồng ý với đánh giá trên, đây là điều đã được dự liệu trong quá trình xây dựng Luật. Chẳng hạn như: phải thường xuyên rà soát danh mục chi tiết các mặt hàng DTQG cho phù hợp với tình hình mới. Hoặc việc mua bù hàng DTQG thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm (bố trí trong chi đầu tư phát triển) thì nay theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, QH Khóa XIII, chi cho DTQG là một nhiệm vụ riêng của ngân sách nhà nước (không nằm trong chi đầu tư phát triển). Quy định như vậy là phù hợp với bản chất của chi ngân sách nhà nước cho mua bù hàng DTQG hằng năm; khắc phục sự không đồng bộ trong việc bố trí nguồn vốn cho DTQG, là điều kiện để cải cách thủ tục hành chính. Ngoài ra vấn đề xã hội hóa cũng cần được hướng dẫn cụ thể đưa vào thực tế cuốc sống nhằm huy động các nguồn lực (kho tàng, phương tiện, nhân lực…) ngoài xã hội tham gia vào hoạt động DTQG.

- Vậy, để khắc phục những vấn đề nêu trên, trong thời gian tới, ngành DTQG sẽ tập trung vào giải pháp gì để Luật DTQG thực sự có hiệu quả như mong đợi, thưa ông?

- Trước mắt, sẽ sửa đổi, bổ sung phần danh mục các mặt hàng DTQG nêu trong Nghị định 94/2013/NĐ-CP ngày 21.8.2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật DTQG theo hướng lựa chọn những mặt hàng chiến lược, thiết yếu đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của DTQG trong tình hình mới. Bên cạnh đó, việc cơ cấu, danh mục và số lượng hàng DTQG cũng cần đổi mới để phù hợp với thực tế của đất nước như: những sản phẩm hàng hóa có thời gian lưu kho ngắn thì dự trữ lưu thông đảm nhiệm; hoặc giảm dự trữ nhưng mặt hàng mà thị trường trong nước hoặc nước ngoài có thể đáp ứng được trong vòng 24h hoặc 48h qua đường bộ hoặc đường hàng không…

Ngoài ra, cần đổi mới cơ chế quản lý DTQG cụ thể là: cơ chế tài chính ngân sách chi cho DTQG; cơ chế luân phiên đổi hàng không bù giá; cơ chế thực hiện hợp đồng thuê bảo quản; nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng để doanh nghiệp tham gia hoạt động DTQG (như vay vốn ngân hàng để xây dựng kho cho các đơn vị DTQG thuê; thuê bảo quản hàng DTQG…); xây dựng cơ chế tài chính DTQG đặc thù nhằm tăng cường nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Tổng cục Dự trữ nhà nước sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc quản lý hàng DTQG để hoạt động DTQG luôn tuân thủ đúng quy định pháp luật.

- Xin cảm ơn ông!

         

Chí Tuấn (Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân)

 



Các tin đã đưa ngày: