Tô đẹp thêm truyền thống vẻ vang của ngành Dự trữ Quốc gia

(16/04/2015)

Đổi mới phong trào thi đua yêu nước vừa là để đáp ứng những yêu cầu trong tình hình mới, vừa là mục tiêu ngành Dự trữ Quốc gia (DTQG) luôn hướng tới. Với sự chủ động đổi mới này, các phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm qua được từng CBCC trong toàn ngành hăng say thực hiện, góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi trong bước đường phát triển của ngành”. TS. Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam trước thềm Hội nghị điển hình tiên tiến Tổng cục DTNN lần thứ IV.

 

Ts. Phạm Phan Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN

 

Phóng viên: Thưa Tổng cục trưởng, những yêu cầu nào từ thực tiễn được đặt ra để ngành DTQG đổi mới phong trào thi đua yêu nước?

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng: 5 năm qua, ngành DTQG đã tiếp tục chặng đường xây dựng, phát triển trong hoàn cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra ngày càng nhiều nên nhu cầu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội ngày càng cao.

Tuy nhiên, điểm thuận lợi lớn nhất là vị trí, vai trò của ngành DTQG được nâng cao khi: Luật DTQG được Quốc hội thông qua và bước đầu đi vào cuộc sống. Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phể chuẩn đã tạo ra động lực mới cho ngành DTQG nói riêng và ngành tài chính nói chung. Bên cạnh đó, đòi hỏi phải phát triển ngành, củng cố cơ sở vật chất, mở rộng quy mô để thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đặt ra yêu cầu để Tổng cục DTNN phải tích cực đổi mới phong trào thi đua yêu nước.

Phóng viên: Vậy, những đổi mới trong phong trào thi đua yêu nước của ngành DTQG trong 5 năm qua là gì, thưa Tổng cục trưởng?

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng:

Việc đổi mới phong trào thi đua được thể hiện rõ nét ở việc gắn các phong trào thi đua với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị theo từng lĩnh vực, từng nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của ngành. Mỗi đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế và nhiệm vụ chính trị được giao để phát động phong trào thi đua sao cho thiết thực; đồng thời nâng cao nhận thức về công tác thi đua, xây dựng các giải pháp tổ chức phong trào thi đua yêu nước và đổi mới cách thức khen thưởng.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống triển khai học tập, quán triệt Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/04/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; cũng như các Chỉ thị khác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính về tổ chức Kỷ niệm 70 năm thành lập ngành và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ IV và gắn với thi đua lập thành tích chào mừng 60 năm thành lập ngành DTQG.

Ngay từ đầu năm, Tổng cục DTNN đã gắn việc tổng kết công tác với việc tổ chức phát động phong trào thi đua trong toàn ngành với những mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung thi đua cụ thể; tổ chức ký giao ước thi đua giữa các đơn vị. Mặt khác, việc kết hợp thật tốt phong trào thi đua định kỳ hàng năm với tổ chức phong trào thi đua theo chuyên đề, theo các nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách đã đem lại hiệu quả thiết thực. Kịp thời tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt để toàn thể CBCC trong toàn ngành học tập.

Để phong trào thi đua có hiệu quả thực sự, là động lực thúc đẩy các tổ chức, cá nhân phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phải gắn công tác thi đua với công tác khen thưởng. Kết hợp giữa khen thưởng định kỳ với khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề.

Phóng viên: Kết quả phong trào thi đua trong ngành DTQG đã đạt được luôn là động lực thúc đẩy, góp phần tích cực giúp Tổng cục DTNN hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Xin Tổng cục trưởng cho biết cụ thể hơn về điều này?

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng:

Điều đó được thể hiện rõ nét qua nhiều mặt. Thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị mà điển hình hệ thống cơ chế, chính sách như: Luật DTQG, Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 và Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2020... được ban hành, tạo khung pháp lý đồng bộ về quản lý DTQG và định hướng cho hoạt động của ngành; công tác quản lý nhà nước về hoạt động DTQG đã có những chuyển biến rõ rệt từ việc xây dựng thể chế đến việc định hướng xây dựng kế hoạch trung hạn, ngắn hạn với mục tiêu nâng dần quy mô DTQG theo hướng chiến lược phát triển DTQG đã đề ra; công tác quản lý chất lượng hàng DTQG được quan tâm hàng đầu  như ban hành các Thông tư về: Quản lý chất lượng, các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các loại định mức KT-KT đối với hàng DTQG.

Công tác quản lý trực tiếp của Tổng cục DTNN cũng đạt được những thành quả to lớn trên nhiều mặt: Nhập kho rất nhiều chủng loại vật tư, thiết bị, hàng ngàn phương tiện cứu sinh, cứu nạn, hàng trăm nghìn tấn lương thực..; việc triển khai công nghệ tiên tiến trong bảo quản hàng DTQG là ưu tiên hàng đầu. Để bảo quản tốt hàng DTQG, Tổng cục DTNN phát động phong trào trào thi đua gắn với viêc thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" theo đúng tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị để làm cho mỗi cán bộ đảng viên thấm nhuần sâu sắc tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi người phấn đấu làm theo tấm gương đạo đức của Bác ngay trong công tác và trong đời sống sinh hoạt hàng ngày; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của từng CBCC, của từng cơ quan, đơn vị. Qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực, tinh thần trách nhiệm đối với công việc của mỗi CBCC được nâng cao, tinh thần hăng say lao động, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và công tác bảo quản an toàn hàng hóa DTQG, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao

Phóng viên: Thưa Tổng cục trưởng, từ những thành quả đã đạt được, phương hướng, nhiệm vụ của công tác thi đua  ngành DTQG trong chặng đường mới 2015-2020 là gì?

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng:

Trong thời gian tới các đơn vị trong toàn ngành DTQG cần tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước để nhằm thực hiện được mục tiêu và làm tốt các nhiệm vụ mới được giao.

Trước hết, các cấp ủy Đảng, lãnh đạo đơn vị và các tổ chức đoàn thể cần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua. Triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các hướng dẫn về thi đua, khen thưởng, đảm bảo công tác thi đua, khen thưởng thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Từng đơn vị phải xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo; coi trọng và làm tốt công tác sơ kết, tổng kết các phong trào; kịp thời phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng và tuyên truyền nhân rộng các nhân tố mới, các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Đặc biệt chú trọng bồi dưỡng các gương điển hình tiên tiến là những cán bộ trực tiếp lao động tại cơ sở như thủ kho, kỹ thuật viên, bảo vệ…

Trong giai đoạn hiện nay, với vị thế mới, đứng trước nhiệm vụ và trách nhiệm được Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính giao ngày càng nặng nề hơn, nhưng với lòng yêu ngành, yêu nghề, với tinh thần trách nhiệm cao, tôi tin rằng đội ngũ CBCC ngành DTQG sẽ tiếp tục tô đẹp thêm truyền thống vẻ vang của ngành, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng hệ thống DTQG ngày càng phát triển bền vững, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!

 

Hồng Sâm - Thời báo TCVN

 



Các tin đã đưa ngày: