Hưởng ứng ngày pháp luật Việt Nam (09/11/2013-09/11/2014): Chủ động, sáng tạo xây dựng chính sách pháp luật tạo đà phát triển cho ngành dự trữ quốc gia

(12/11/2014)

Xác định việc xây dựng cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về Dự trữ Quốc gia (DTQG) là công tác trọng tâm nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý hoạt động DTQG nên trong thời gian qua được sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) coi đây là điểm đột phá nhằm tạo sức bật mới cho toàn ngành. Nhờ đó, những hoạt động liên quan tới DTQG đều được thông suốt và DTQG trở thành một công cụ không thể thiếu trong các hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh của đất nước ta.  

 

Lãnh đạo Tổng cục Tổng cục DTNN  cùng các thành viên Tổ biên tập Luật Dự trữ

quốc gia tại phiên họp ngày 20/11/2012 kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII

 

Chủ động sáng tạo đưa Luật DTQG vào cuộc sống

Điểm nổi bật trong giai đoạn này là Luật DTQG được Quốc hội khóa 13 kỳ họp thứ 4 thông qua (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013) thay thế cho Pháp lệnh DTQG. Đây là một thành công rất lớn đối với hoạt động DTQG, là kết quả sự nỗ lực tập trung của toàn ngành, cùng với sự giúp đỡ hiệu quả của các cơ quan đầu ngành, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG.

Từ thực tiễn quản lý, điều hành DTQG thời gian qua cho thấy, hoạt động DTQG mang tính đặc thù về mức độ khó khăn, yêu cầu khẩn trương trong hoạt động; cần có cơ chế quản lý thích ứng bảo đảm sự điều hành, sử dụng nguồn lực DTQG của Nhà nước, theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, có hiệu lực và hiệu quả xã hội. Vì vậy, việc Luật DTQG được Quốc hội thông qua có ý nghĩa vô cùng quan trọng góp phần hoàn thiện tổ chức bộ máy đáp ứng kịp thời nhiệm vụ của Nhà nước và của Bộ Tài chính giao. Đó là một bước tiến dài trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động DTQG; góp phần khẳng định vị trí, vai trò của ngành DTQG trong nền kinh tế xã hội. Đã tạo thêm nhiều cơ chế mới cho hoạt động DTQG; giải quyết được một số vướng mắc trước đây như nguồn vốn để mua hàng dự trữ vượt dự toán; chuyển kinh phí sang năm sau đối với việc mua một số mặt hàng đặc thù; các trường hợp mua hàng cần chỉ định thầu để đáp ứng yêu cầu khẩn trương, cấp bách; quy định về nguồn ngân sách chi cho DTQG.

Trong thời gian gấp rút, với khối lượng công việc quá lớn, để tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tài chính trong nghiên cứu xây dựng Dự án Luật DTQG đảm bảo chất lượng, tiến độ và theo đúng quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục DTNN đã tập trung “nhân tài, vật lực” để phục vụ cho việc xây dựng dự thảo Luật DTQG, cụ thể như: xây dựng kế hoạch tiến độ cụ thể đối với từng nội dung công việc từ khâu dự thảo văn bản, xin ý kiến, thẩm định, trình Chính phủ, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội kỳ họp thứ 3 và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội kỳ họp thứ 4.

Đặc biệt, để chuẩn bị cho Quốc hội ra Nghị quyết về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2012 (trong đó có nội dung thông qua Luật DTQG tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 11/2012), Tổng cục DTNN đã phục vụ tốt chương trình kế hoạch giám sát thực hiện Pháp lệnh DTQG giai đoạn 2005-2010 của Đoàn giám sát UBTCNS Quốc hội và phối hợp hoàn thành Báo cáo giám sát gửi các vị Đại biểu Quốc hội khóa XII; năm 2011, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành kế hoạch triển khai thực hiện kiến nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về cơ chế, chính sách và pháp luật DTNN.

Đáng chú ý, trong quá trình thảo luận và thông qua các buổi báo cáo dự thảo Luật DTQG với các Đoàn đại biểu Quốc hội đã kịp thời nắm bắt, tiếp thu, giải trình những vấn đề mà đại biểu Quốc hội và các cơ quan có ý kiến tham gia. Chính vì vậy,  đã giúp các vị đại biểu Quốc hội thấu hiểu sâu sắc hơn về ngành và hoạt động DTQG, tạo nên sự đồng thuận nhất trí cao của các đại biểu Quốc hội và Luật DTQG đã được thông qua ngày 20/11/2012 tại kỳ họp thứ 4 với tỷ lệ 99,8% số đại biểu có mặt tán thành.

Để Luật DTQG thực sự đi vào đời sống đem lại hiệu quả cao, được sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, các đơn vị của Tổng cục lại gấp rút xây dựng các văn bản hướng dẫn. Nhờ đó, chỉ sau 1 năm Tổng cục DTNN đã xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành đồng bộ hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật DTQG như Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật DTQG, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2013.

Bên cạnh đó, để đồng bộ hệ thống văn bản hướng dẫn Luật và Nghị định, Tổng cục DTNN đã xây dựng trình Bộ Tài chính ban hành 8 thông tư hướng dẫn. Hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật DTQG đến nay về cơ bản đáp ứng công tác quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động DTQG theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tiễn, hoạt động đặc thù của DTQG.

Cùng trong giai đoạn này, Tổng cục DTNN  đã xây dựng để Bộ Tài chính trình Thủ  tướng Chính phủ ban hành: “Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020” và “Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2020”

Đánh giá vai trò của Tổng cục DTNN trong việc nỗ lực đưa Luật DTQG vào đời sống Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Hữu Chí khẳng định: “Nhờ sự chủ động, sáng tạo, trách nhiệm cao, Tổng cục DTNN đã phát huy vai trò tham mưu cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG và các bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai đưa Luật DTQG vào cuộc sống. Nhờ đó, chỉ sau 1 năm Luật có hiệu lực, ngành DTQG đã có bước trưởng thành đáng khích  lệ”.

 

Ông Nguyễn Hữu Chí – Thứ trưởng Bộ Tài chính, Lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước

và cán bộ Vụ Chính sách và Pháp chế tại Hội nghị phổ biến Luật Dự trữ quốc gia

và văn bản hướng dẫn ngày 16-17/4/2014 tại Quy Nhơn

 
 

Kiện toàn, đổi mới, hoạt động đi vào chiều sâu

Không chỉ gây dấu ấn trong việc xây dựng và đưa Luật DTQG vào đời sống, trong những năm qua Tổng cục DTNN luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực chính sách pháp chế của ngành Tài chính. Điển hình như trong giai đoạn 2009-2013, Tổng cục DTNN đã chủ động xây dựng kế hoạch, tiến độ triển khai thực hiện và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị được phân công quản lý hàng DTQG để giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực chính sách, pháp chế liên quan đến hoạt động dự trữ nhà nước. Hàng loạt các Thông tư quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng DTQG các quy định nội ngành, các định mức kinh tế kỹ thuật, chiến lược phát triển DTQG, quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG  được ban hành.

Cùng với việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về DTQG,  Tổng cục DTNN còn được xem là đầu mối về cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính. Cụ thể  đã tiến hành kê khai 03 thủ tục hành chính về đấu giá hàng DTQG (được quy định tại Quyết định 103/2008/QĐ-BTC ngày 12 tháng 11 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quy chế bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia). Đồng thời thực hiện bổ sung 07 thủ tục thuộc lĩnh vực DTQG theo Quyết định số 586/QĐ-BTC ngày 11 tháng 03 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc công bố sung các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật DTQG và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành được thực hiện thường xuyên liên tục, được kiện toàn, đổi mới, hoạt động đi vào chiều sâu; hình thức tổ chức thực hiện phong phú; đa dạng, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng đơn vị như: Tổ chức phổ biến tại các đơn vị DTNN khu vực; các đơn vị DTQG thuộc các bộ, ngành quản lý hàng DTQG; nghiên cứu, trao đổi trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính và của Tổng cục DTNN. Đặc biệt, Tổng cục đã tổ chức hội nghị phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành Luật DTQG trong 2 ngày 16 và 17/4/2014 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định với sự tham gia của nhiều bộ, ngành và các cục, vụ. Qua đây, việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành được tạo thành nề nếp và tạo được sự nhất quán cao trong nhận thức, tạo cơ sở thống nhất hành động trong thực tiễn.

Với những nỗ lực trên, riêng  trong lĩnh vực chính sách pháp chế, Tổng cục DTNN đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước, Chính phủ,  Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đó là, năm 2013 Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, năm 2012 được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc, năm 2010 Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Bộ trưởng Bộ Tài chính tặng Danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc 5 năm liên tục 2009-2013, năm 2011 được tặng Cờ thi đua của Bộ Tài chính

Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia

Phát huy tính chủ động, sáng tạo trong công việc, đối với hoạt động xây dựng cơ chế chính sách và pháp chế trong thời gian tới Tổng cục DTNN sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, thực hiện Luật DTQG: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức nhập, xuất, bảo quản đối với hàng DTQG. Đồng thời xây dựng tiêu chuẩn đối với hệ thống kho DTQG theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành: (i)  cơ chế quản lý và huy động vốn cho DTQG, đảm bảo sự chủ động của cơ quan quản lý nhà nước về DTQG trong quản lý vốn; (ii) Cơ chế chính sách đầu tư nghiên cứu phát triển khoa học - kỹ thuật về DTQG, ứng dụng công nghệ bảo quản, công nghệ thông tin để hiện đại hóa hoạt động DTQG; (iii) Cơ chế chính sách huy động nguồn lực, khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động DTQG.

Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, Tổng cục DTNN sẽ tiếp tục  triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước, kiểm soát thủ tục hành chính của Bộ Tài chính, của chính phủ đảm bảo kịp thời, chất lượng thủ tục hành chính sau khi được kiểm soát. Đặc biệt, thường xuyên rà soát, đơn giản và kiến nghị cấp có thẩm quyền thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực DTQG, trọng tâm là những thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp./.

                

                  TS. Phạm Phan Dũng -  Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dự trữ Nhà nước



Các tin đã đưa ngày: