Dự trữ quốc gia góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ quốc phòng, an ninh

(15/02/2014)

Nhân dịp đầu xuân năm mới Giáp Ngọ 2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đến thăm, chúc Tết cơ quan Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Tranh thủ “những phút vàng” của Bộ trưởng, phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam đã phỏng vấn Bộ trưởng.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính - Đinh Tiến Dũng

 

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, là người luôn quan tâm đến hoạt động của hệ thống dự trữ quốc gia, xin Bộ trưởng một vài đánh giá về những kết quả đã đạt được trong thời gian  qua, nhất là thời gian gần đây?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tôi ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu và những thành tích của Tổng cục  Dự trữ Nhà nước trong thời gian qua, nhất là trong những năm gần đây.

Là người từng công tác ở địa phương, tôi hết sức chia sẻ và cảm thông với những khó khăn vất vả của các đồng chí khi tham gia công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, cứu trợ, cứu đới cho nhân dân vùng bị thiên tai, vùng xa, vùng sâu. Tuy nhiên, chúng ta rất vinh dự vì được chia sẻ với nhân dân những lúc khó khăn nhất và tự hào với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua đã tô thêm trang sử vàng truyền thống hơn 57 năm của Hệ thống Dự trữ quốc gia, trưởng thành và từng bước hoàn thiện mình như ngày hôm nay.

Với Hệ thống Dự trữ quốc gia được đặt tại 10 bộ, ngành, trong đó Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) được tổ chức, bố trí từ trung ương đến các địa phương với 22 Cục DTNN khu vực đã đảm bảo cho việc thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý dự trữ quốc gia mà Đảng và Nhà nước giao.

Về cơ chế, chính sách: Luật Dự trữ quốc gia được Quốc hội thông qua năm 2012, đã đánh dấu một bước phát triển mới và đó là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động dự trữ quốc gia. Đây là là một bước chuyển quan trọng trong xây dựng thể chế, chính sách về DTQG.

Về con người: Hệ thống Dự trữ quốc gia đã và đang xây dựng đội ngũ cán bộ công chức vừa hồng, vừa chuyên đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao và phù hợp với hoạt động đặc thù của mình; đội ngũ đó lao động cần cù, đóng góp thầm lặng, hết mình vì việc công; sống chân thành, nghĩa tình với đồng nghiệp, với nhân dân, luôn tự hoàn thiện mình để thực hiện tốt nhiệm vụ. Mong rằng phẩm chất tốt đẹp ấy mãi mãi được giữ gìn, phát huy.

Về công nghệ bảo quản hàng DTQG: Trong hơn 57 năm qua, nhất là những năm gần đây, hệ thống Dự trữ quốc gia đã có những chuyển biến rất quan trọng: chúng ta đã và đang xây dựng, áp dụng những công nghệ-thiết bị mới trong bảo quản hàng dự trữ quốc gia, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý; xây dựng hệ thống kho tàng theo quy hoạch mới với công nghệ-thiết bị vận hành kho ngày càng hiện đại; nhiều giải pháp về công nghệ bảo quản tiên tiến được áp dụng đã mang lại hiệu quả cao, giữ gìn tốt chất lượng hàng dự trữ, như ở các đơn vị DTQG của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước)…

Về phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước: Hệ thống Dự trữ quốc gia đã đạt được những kết quả quan trọng, như: đáp ứng kịp thời những nhiệm vụ đột xuất, cấp bách về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; góp phần bảo đảm an sinh xã hội; phục vụ quốc phòng, an ninh. Để có những kết quả trên đây, bao thế hệ cán bộ, công chức thuộc Hệ thống Dự trữ quốc gia qua các thời kỳ mặc dù còn gian khổ, còn khó khăn nhưng đã phân đấu, lao động quên mình, vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ; nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu đã được phong tặng, truy tặng các danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước.

Phóng viên: Như Bộ trưởng vừa nhận xét, trong thời gian qua Hệ thống DTQG đã đạt được rất nhiều kết quả đáng khích lệ. Thưa Bộ trưởng, kết quả nào là ấn tượng nhất?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Có thể nói rằng, trong rất nhiều kết quả mà ngành DTQG đã đạt được trong thời gian qua và nhất là thời gian gần đây thì có một số kết quả nổi bật là:

Trước hết, Hệ thống DTQG đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ đột xuất, cấp bách trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh như: cứu trợ, cứu đói, góp phần đảm bảo an sinh xã hôi; góp phần bảo đảm trật tự , an toàn xã hội... với việc xuất cấp kịp thời hàng DTQG cho các Bộ, ngành, các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt bao gồm các loại như: gạo, hạt giống lúa, thuốc, hóa chất sát trùng, vắc xin phòng dich bệnh, thiết bị cứu trợ cứu nạn...

Thứ hai, Luật DTQG được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong xây dựng thể chế cho hoạt động DTQG. Thể chế là quan trọng nhất hướng hoạt động DTQG có hiệu lực, hiệu quả. Trên cơ sở đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển DTQG và Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2020.

Thứ ba, trong quá trình xây dựng và phát triển, hệ thống DTQG đã từng bước xây dựng và hiện đại hóa kho tàng và công nghệ bảo quản hàng DTQG; bố trí hợp lý hệ thống kho tàng và hàng hoa để đáp ứng yêu cầu “4 tại chỗ” trong mọi tình huống

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, ông có chỉ đạo gì để Hệ thống DTQG xứng đáng với vai trò quan trọng là một công cụ tài chính, là nguồn dự trữ chiến lược của Nhà nước để phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai; góp phần đảm bảo an sinh xã hội; phục vụ an ninh, quốc phòng và thực hiện các nhiệm vụ khác mà Chính phủ giao?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

Giải pháp cần ưu tiên thực hiện trước mắt là cần tiếp tục bám sát thực tiễn, nghiên cứu hoàn thiện thể chế chính sách phù hợp với hoạt động DTQG trong giai đoạn mới, trong điều kiện mới.

Thứ hai là tăng cường tiềm lực DTQG với cơ cấu chủng loại hàng DTQG hợp lý nhằm đáp ứng được mục tiêu DTQG.

Thứ ba là cần tiếp tục nghiên cứu áp dụng và phát triển công nghệ tiên tiến vào bảo quản hàng DTQG để vừa bảo đảm tốt về chất lượng, đồng thời kéo dài được thời gian bảo quản, lưu kho và hạ thấp chi phí bảo quản.

Thứ tư là bố trí hợp lý các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kho DTQG, hiện đại hóa công sở; xây dựng tiêu chuẩn kho và “điển hình hóa” mô hình điểm kho DTQG.

Thứ năm là với đặc thù của hoạt DTQG cần quan tâm đến đời sống mọi mặt của CBCC để họ yêu ngành, yêu nghề gắn bó với hoạt động của ngành; đồng thời có thể thu hút được nguồn nhân lực, nhân tài đối với ngành DTQG.

Phóng viên: Nhân dịp đầu xuân năm mới, Bộ trưởng có điều gì muốn gửi gắm tới cán bộ, công chức, viên chức Hệ thống Dự trữ quốc gia?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Nhân dịp năm mới 2014 và đầu xuân Giáp Ngọ, thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính, Tôi gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể cán bộ công chức, viên chức Hệ thống Dự trữ quốc gia; chúc các đồng chí phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, làm việc nhiệt tình và sáng tạo để đạt được thành công trong năm 2014 và những năm tiếp theo.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng! Kính chúc Bộ trưởng cùng gia đình một mùa xuân mới an khang, hạnh phúc và thành công!

 

                Thời báo Tài chính Việt Nam

 



Các tin đã đưa ngày: