Chủ động đáp ứng nguồn dự trữ quốc gia trong mọi tình huống

(21/06/2021)

Những tháng đầu năm, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh đó, với sự nỗ lực của cán bộ, công chức, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, ngành Dự trữ Nhà nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng...

 

Ngành Dự trữ Nhà nước khắc phục khó khăn triển khai nhập lương thực,

hàng hóa, tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia.

 

Xuất cấp kịp thời hàng dự trữ quốc gia

Xuất cấp hàng dự trữ quốc gia (DTQG) để hỗ trợ nhân dân các địa phương kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh ổn định đời sống là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) chú tâm thực hiện. Toàn ngành DTNN cùng các bộ, ngành đã tổ chức xuất cấp kịp thời hàng DTQG theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền. Từ đầu năm 2021 đến 7/6/2021, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng các bộ, ngành quản lý hàng DTQG theo thẩm quyền đã có các quyết định xuất cấp hàng DTQG khoảng 717,855 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Tài chính đã xuất cấp các mặt hàng với tổng giá trị khoảng 622,5 tỷ đồng.

Cụ thể, về lương thực Tổng cục DTNN đã có các quyết định giao nhiệm vụ cho các đơn vị xuất cấp 55.447 tấn gạo trị giá khoảng 615 tỷ đồng. Thực hiện các quyết định này, các Cục DTNN khu vực chủ động lên phương án, phối hợp với các ban, ngành địa phương để triển khai công tác xuất cấp. Nhờ đó, Tổng cục đã hoàn thành xuất cấp hỗ trợ Tết Nguyên đán Tân Sửu 9.083 tấn gạo cho 14 tỉnh;  hỗ trợ giáp hạt 6.343 tấn gạo cho 12 tỉnh; hỗ trợ dự án trồng rừng 2.653 tấn cho tỉnh Thanh Hóa. Riêng hỗ trợ học sinh học kỳ II năm học 2020-2021, tiến độ xuất cấp đến ngày 31/5/2021 là 34.710 tấn/37.368 tấn theo kế hoạch phân bổ, tiếp nhận gạo của địa phương.

Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN xuất cấp 1.454,5 tấn muối ăn, trị giá khoảng 3 tỷ đồng, để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng thiên tai năm 2020 (các tỉnh: Quảng Bình 815 tấn; Hà Tĩnh 639,5 tấn).

Tổng cục DTNN cũng đã trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp hàng DTQG hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại do thiên tai năm 2020 và xuất cấp hóa chất khử khuẩn cho các bộ, địa phương phòng chống, dịch Covid-19.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xuất cấp các mặt hàng tổng trị giá khoảng 51,693 tỷ đồng; Bộ Y tế đã xuất cấp 30 tấn Chloramin B và 15 triệu viên sát khuẩn nước Aquatabs, tổng trị giá khoảng 16,83 tỷ đồng cho các đơn vị, địa phương và đã xuất viện trợ cho Lào 10 tấn Chloramin B để hỗ trợ bạn phòng chống dịch Covid-19, trị giá khoảng 2,1 tỷ đồng;  Bộ Quốc phòng đã xuất cấp 5 bộ thiết bị tiêu tẩy cơ động trị giá khoảng 26,832 tỷ đồng phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Đến nay, số lượng hàng DTQG đã xuất cấp theo tiến độ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng; vận chuyển kịp thời đến các địa phương được cứu trợ, hỗ trợ; giúp nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và thực hiện tốt nhiệm vụ quan hệ quốc tế.

Tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia

Bên cạnh công tác xuất cấp, ngành DTNN cũng đã khắc phục khó khăn triển khai nhập lương thực, hàng hóa, tăng cường nguồn lực DTQG để chủ động, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho các địa phương và nhân dân trong các tình huống đột xuất cấp bách, thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo quyết định của cấp có thẩm quyền nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Để đảm bảo mục tiêu kế hoạch nhập hàng DTQG năm 2021 theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao nhập mua 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo các Cục DTNN khu vực chủ động triển khai đầy đủ quy trình đấu thầu mua sắm theo chỉ tiêu phân bổ ngay từ đầu năm. Nhờ đó, đến 07/6/2021 các Cục DTNN khu vực đã hoàn thành 100% kế hoạch nhập kho 190.000 tấn gạo. Đối với mua thóc, Tổng cục DTNN triển khai nhập mua thóc từng vùng theo vụ mùa thu hoạch. Đến ngày 07/6/2021, Tổng cục đã phê duyệt mở kho 24.000 tấn/80.000 tấn thóc. Còn lại 56.000 tấn thóc chưa phê duyệt dự kiến cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2021 Tổng cục DTNN phê duyệt mở kho mua.

Theo Tổng cục DTNN, việc tổ chức mua sắm hàng DTQG được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, công khai, minh bạch. Điểm mới trong công tác đấu thầu mua gạo năm nay là Tổng cục DTNN đã quán triệt và chỉ đạo các cục DTNN khu vực triển khai quyết liệt quy định về chấm điểm “uy tín nhà thầu” trong bảng chấm điểm kỹ thuật để đánh giá mức độ uy tín nhà thầu trong hồ sơ mời thầu mua gạo nhằm đảm bảo sự minh bạch, tạo sự công bằng cho tất cả các nhà thầu tham dự thầu. Đặc biệt qua đó tăng tính cạnh tranh giữa các nhà thầu trong đấu thầu mua gạo.

Do vậy, trong đợt đấu thầu mua nhập kho gạo dự trữ vừa qua số lượng nhà thầu tham gia dự thầu tăng cao hơn 50% so với các năm trước; giá trúng thầu thấp hơn so với giá gói thầu (tiết kiệm 1,2% so với giá gói thầu); thời gian hoàn thành việc nhập đủ 190.000 tấn gạo sớm hơn so với dự kiến.

Với kết quả đó, trong thời gian tới Tổng cục DTNN tiếp tục áp dụng phương pháp “chấm điểm uy tín nhà thầu” trong công tác đấu thầu mua hàng DTQG; lựa chọn được các nhà thầu có uy tín, năng lực cung cấp hàng cho DTQG để chủ động có nguồn hàng đưa vào DTQG, bảo đảm sẵn sàng xuất cấp trong mọi tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra theo đúng mục tiêu của Luật DTQG.

Hiện nay, Tổng cục DTNN đang khẩn trương thực hiện chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 chuyển sang và kế hoạch năm 2021 theo đúng chỉ tiêu kế hoạch được giao và đúng quy định hiện hành của pháp luật về mua, bán hàng DTQG. Đối với mua lương thực, tích cực triển khai hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch mua đủ 80.000 tấn thóc đã được Thủ tướng Chính phủ giao để sẵn sàng, chủ động xuất cấp trong các tình huống đột xuất cấp bách.

 

Bảo quản hàng dự trữ chặt chẽ, khoa học

Với ngành Dự trữ Nhà nước, quản lý chất lượng hàng DTQG luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Công tác bảo quản lương thực mới nhập kho được Tổng cục DTNN thực hiện chặt chẽ từ khâu kiểm tra chất lượng trước nhập kho đến các quy trình bảo quản khoa học...

Để nâng cao công tác quản lý hàng lương thực dự trữ, Tổng cục DTNN đã thành lập 3 Đoàn phúc tra công tác quản lý chất lượng lương thực nhập kho năm 2021. Phạm vi phúc tra là 22 Cục DTNN khu vực; thời gian phúc tra từ 01/4/2021 đến hết ngày 31/7/2021. Đến nay, các Đoàn đã phúc tra được 11 Cục DTNN khu vực tại Nam Bộ và Trung Bộ. Về hàng vật tư thiết bị, Tổng cục đã giám sát lấy mẫu kiểm tra chất lượng phao tròn cứu sinh; giám sát chất lượng máy phát điện loại 50kVA.

Tổng cục DTNN đã hướng dẫn các đơn vị quản lý chất lượng lương thực nhập kho, công tác bảo quản thóc.

Đối với hàng đang bảo quản, lương thực, muối ăn được thực hiện theo đúng quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, chất lượng đều đảm bảo an toàn. Đối với mặt hàng phao áo cứu sinh trước thời gian hết hạn lưu kho, Tổng cục đã hướng dẫn các Cục DTNN khu vực tiếp tục bảo quản và có phương án xuất cấp. Đối với hàng xuất kho, các Cục DTNN khu vực thực hiện kiểm tra chất lượng và lập hồ sơ theo quy định; chất lượng hàng lương thực, vật tư khi xuất kho đều đảm bảo yêu cầu.

 

Thủy Thanh - Thời báo Tài chính Việt Nam

 



Các tin đã đưa ngày: