Chất lượng hàng Dự trữ Quốc gia là ưu tiên số 1

(30/10/2014)

Đối với ngành DTQG, công tác quản lý chất lượng hàng luôn là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng hàng đầu trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành. Chất lượng hàng DTQG quyết định hiệu quả công tác quản lý DTQG.
 
 
Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị.
 

Đó là nội dung được Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Phạm Phan Dũng đặc biệt nhấn mạnh tại hội nghị tập huấn công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia vừa diễn ra tại Hòa Bình. 

Hoàn thiện các chính sách

Nội dung chủ yếu được triển khai tại hội nghị là công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia thông qua việc hướng dẫn thực hiên các Thông tư của Bộ Tài chính vừa ban hành, bao gồm: Thông tư quy định về quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia (Thông tư số 130/2014/TT-BTC ngày 09/09/2014), Thông tư hướng dẫn xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (Thông tư số 182/2013/TT-BTC ngày 04/12/2013), Thông tư quy định về quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật (Thông tư số 108/2013/TT-BTC ngày 13/08/2013).

Ông Phạm Phan Dũng cho biết, công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia luôn được lãnh đạo Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm, chỉ đạo; nhất là sau khi Luật dự trữ quốc gia có hiệu lực thi hành (01/07/2013). Đây là nội dung được dành một mục riêng (mục 4, chương IV) và 4 Điều trong Luật dự trữ quốc gia. Trong đó quy định: “Hàng dự trữ quốc gia phải được cất giữ riêng, đáp ứng đầy đủ quy định bảo quản theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia…”.

Quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia là phải xây dựng được hệ thống yêu cầu tiêu chuẩn, đặc tính kỹ thuật cho từng loại hàng dự trữ quốc gia (hoặc từng nhóm hàng dự trữ quốc gia); yêu cầu bao bì, đóng gói, nhãn mác, vận chuyển; yêu cầu quản lý nghiêm ngặt trong giao nhận, lưu kho, xuất cấp; đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng trong mọi khâu; từ khâu mua nhập, lưu kho bảo quản và xuất hàng dự trữ quốc gia.

Triển khai Luật dự trữ quốc gia và để giải quyết các nội dung nêu trên, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tham mưu giúp Bộ Tài chính xây dựng các Thông tư quy định quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia; tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia.

Đáp ứng yêu cầu quản lý

Có thể nói, đến nay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quản lý công tác quản lý chất lượng nói riêng và kỹ thuật bảo quản hàng dự trữ quốc gia nói chung đã cơ bản đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu quản lý.

Thông tư số 130/2014/TT-BTC ngày 09/09/2014 quy định về quản lý chất lượng hàng DTQG là văn bản pháp lý đầu tiên của Bộ Tài chính, nhằm cụ thể hóa nội dung quản lý nhà nước về chất lượng hàng dự trữ quốc gia; điều kiện đảm bảo chất lượng hàng dự trữ quốc gia và trách nhiệm hành chính, trách nhiệm vật chất của các bộ, ngành, các đơn vị trực tiếp quản lý hàng dự trữ quốc gia; quy định cơ chế thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia.

Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư 182/2013/TT-BTC, Thông tư 103/2013/TT-BTC, quy định từng nội dung cụ thể về trình tự, thủ tục, nội dung và kỹ thuật xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, cũng như định mức kinh tế kỹ thuật đối với hàng dự trữ quốc gia; trách nhiệm của Bộ Tài chính và các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia.

Bên cạnh việc ban hành các thông tư nêu trên, trong thời gian qua Bộ Tài chính cũng đã ban hành nhiều thông tư quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng dự trữ quốc gia do Bộ Tài chính và một số bộ, ngành được giao quản lý. Việc ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã tạo điều kiện tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia./.

                   

                            Thời báo Tài chính Việt Nam



Các tin đã đưa ngày: