Thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra
Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN), 9 tháng năm 2022, Vụ Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục DTNN) và Phòng Thanh tra - Kiểm tra thuộc các Cục DTNN khu vực đã tổ chức thực hiện và hoàn thành 2 cuộc thanh tra chuyên ngành, 35 cuộc kiểm tra chuyên ngành, 21 cuộc kiểm tra nội bộ gắn với kiểm tra phòng, chống tham nhũng và 1 cuộc kiểm tra chuyên đề diện rộng về quản lý, sử dụng kho dự trữ quốc gia (DTQG).
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng của Tổng cục DTNN cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động mua, bán, nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG và quản lý tài chính, tài sản công tại các Cục DTNN khu vực.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy, mặc dù công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thanh tra, kiểm tra, giám sát đã được đổi mới và tăng cường, nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế tại một số đơn vị. Trước tình hình đó, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã có Công văn số 785-CV/BCSĐ ngày 12/8/2022 về tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành triển khai nhiệm vụ tại Tổng cục DTNN.
Theo đó, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục DTNN rà soát những bất cập về cơ chế, chính sách để hoàn thiện theo hướng minh bạch, chặt chẽ; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau quá trình thu mua hàng DTQG, bảo đảm an toàn chất lượng hàng DTQG, không để xảy ra tình trạng hỏng hóc, thất thoát, lãng phí.
Bảo quản hàng dự trữ quốc gia được kiểm soát chất lượng chặt chẽ
theo đúng quy trình quản lý chất lượng.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN đã ban hành Công văn số 1300/TCDT-TCCB ngày 23/8/2022 và Đảng ủy cơ quan Tổng cục DTNN đã ban hành Nghị quyết số 282/NQ-ĐUTCDT ngày 24/8/2022 yêu cầu cấp ủy và thủ trưởng các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ khẩn trương, quyết liệt thực hiện theo công văn chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính.
Theo đó, Tổng cục DTNN yêu cầu thủ trưởng các đơn vị quán triệt đầy đủ nội dung tại Công văn số 785-CV/BCSĐ ngày 12/8/2022 của Ban Cán sự Đảng tới toàn thể đảng viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động; yêu cầu các Cục DTNN khu vực xây dựng kế hoạch và triển khai ngay công tác kiểm tra, tự kiểm tra toàn diện các hoạt động của đơn vị...
Ngoài ra, Tổng cục DTNN đã ban hành Quyết định số 570/QĐ-TCDT ngày 14/9/2022 thành lập 4 đoàn kiểm tra tại 8 Cục DTNN khu vực, để kiểm tra công tác mua, bán, nhập, xuất và bảo quản lương thực DTQG; thời kỳ kiểm tra từ năm 2020 đến nay.
Kết thúc đợt kiểm tra tại 8 Cục DTNN khu vực, Tổng cục sẽ đánh giá và tiếp tục mở rộng kiểm tra đối với các Cục DTNN khu vực còn lại.
Phát huy vai trò quan trọng của thanh tra, kiểm tra
Trên cơ sở kết quả đạt được, đồng thời tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của thanh tra, kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động DTQG, thời gian tới Tổng cục DTNN tiếp tục thực hiện thanh tra chuyên ngành tại các bộ, ngành được phân công quản lý hàng DTQG; tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp được thuê bảo quản hàng DTQG trong việc bảo quản hàng DTQG và thanh tra tại các địa phương trong việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng hàng DTQG.
Tổng cục DTNN tiếp tục thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với các Cục DTNN khu vực trong việc chấp hành quy định về mua, bán, nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG, nhất là đối với mặt hàng thóc, gạo DTQG. Chú trọng kiểm tra chuyên đề diện rộng để có cơ sở tổng kết, đánh giá và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý.
Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN chú trọng kiểm tra nội bộ trong việc chấp hành quy định về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và đầu tư xây dựng cơ bản; gắn thanh tra, kiểm tra nội bộ với phòng, chống tham nhũng trong hệ thống và xác minh tài sản thu nhập của các đối tượng phải kê khai. Sau kiểm tra nội bộ, tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực thi chính sách, pháp luật, quy định nội ngành để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành của Tổng cục DTNN.
Ngoài các biện pháp trên, Tổng cục sẽ tiếp tục hướng dẫn, theo dõi, giám sát hoạt động kiểm tra của các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục đối với các Cục DTNN khu vực và các Cục DTNN khu vực đối với các Chi cục; đồng thời, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên trong quá trình quản lý, điều hành nhằm sớm phát hiện tồn tại, hạn chế và khả năng xảy ra vi phạm để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục sai phạm.
Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam