Gạo dự trữ san sẻ khó khăn cùng hộ nghèo, hồi sinh những “lá phổi xanh”

(14/10/2022)

Hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các hộ nghèo để chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng là một trong những chính sách mang lại nhiều thay đổi, góp phần tạo động lực, giải quyết kịp thời khó khăn về lương thực đối với các hộ gia đình, cá nhân thuộc hộ nghèo tham gia công tác trồng và bảo vệ rừng, đồng thời gia tăng diện tích rừng trồng, giảm tác động tiêu cực đến nguồn tài nguyên rừng trên địa bàn.

Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia được người dân và chính quyền các địa phương nhiệt tình ủng hộ; mang lại hiệu quả thiết thực trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng; người dân vùng cao được hỗ trợ gạo đã làm thay đổi tập quán từ khai thác gỗ, phá rừng sang trồng, giữ rừng, sử dụng sản phẩm từ rừng trồng để thay thế cây rừng tự nhiên, góp phần bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.

 

Chính sách hỗ trợ gạo DTQG cho công tác bảo vệ, phát triển rừng

góp phần giúp nhân dân ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất.

 

Thực hiện Quyết định số 937/QĐ-TTg ngày 30/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa xuất gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Thanh Hóa để thực hiện Đề án hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tự nguyện nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực giai đoạn 2018 -2024 trên địa bàn 04 huyện: Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Như Xuân; Căn cứ vào đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 2022 đến ngày 11/10/2022, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã giao Cục DTNN khu vực Thanh Hóa thực hiện xuất 4.175.330 kg gạo dự trữ quốc gia cho 04 huyện: Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Như Xuân của tỉnh Thanh Hóa, trong đó số gạo xuất hỗ trợ 04 huyện này vào tháng 7,8,9 (đợt 3/2022) là 1.443.022 kg gạo (tại Quyết định số 638/QĐ-TCDT ngày 11/10/2022). Thời gian hoàn thành giao nhận gạo xong trước ngày 10/11/2022.

 

Mỗi mầm xanh ươm xuống là niềm hy vọng được nhân lên.

 

Để bảo đảm xuất cấp gạo hỗ trợ địa phương theo quy định về xuất cấp gạo dự trữ quốc gia hiện hành, Tổng cục Dự trữ Nhà nước yêu cầu Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa triển khai một số nhiệm vụ: (i) Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện: Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Như Xuân lập kế hoạch, phương án và thời gian tiếp nhận gạo gửi Cục DTNN khu vực để tổ chức thực hiện việc giao nhận. Bảo đảm việc giao, nhận gạo hỗ trợ địa phương thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 10380/BTC-TCDT ngày 27/8/2018 về thực hiện hỗ trợ gạo dự trữ quốc gia cho công tác bảo vệ, phát triển rừng tại 04 huyện của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018-2024 và Thông tư số 51/2020/TT-BTC ngày 02/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng DTQG để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ; (ii) Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc vận chuyển số gạo được giao xuất cấp cho địa phương kịp thời, đảm bảo gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho địa phương đủ số lượng, tiêu chuẩn chất lượng, kịp thời giao gạo tới tay người dân theo đúng kế hoạch phân bổ, tiếp nhận của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, trong đó đề nghị địa phương sớm có kế hoạch tiếp nhận gạo cho các đối tượng được hỗ trợ gạo đảm bảo đúng đối tượng, định mức, quản lý sử dụng số gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ chặt chẽ theo đúng văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và các quy định về quản lý, giao nhận gạo dự trữ quốc gia hiện hành./.

 

Lê Thị Loan – Vụ Quản lý hàng dự trữ