Những năm gần đây, bên cạnh tình hình thiên tai khó lường, dịch Covid-19 đã tác động đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân. Bất chấp những khó khăn đó, hơn 137 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia đã được cấp phát đến tay hàng triệu người dân tại những vùng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc xuất cấp gạo, hàng dự trữ quốc gia kịp thời đã góp phần giúp người dân ổn định đời sống, đẩy lùi dịch bệnh. TBTCVN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Phố Giang - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước xung quanh vấn đề này.
PV: Thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều quyết định xuất cấp gạo, vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia hỗ trợ người dân và các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Xin bà cho biết kết quả thực hiện các quyết định này?
Bà Nguyễn Thị Phố Giang: Kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, ổn định đời sống người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN). Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid -19, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, lãnh đạo Tổng cục DTNN đã chỉ đạo hệ thống từ Trung ương đến địa phương xuất cấp kịp thời hàng dự trữ quốc gia theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền.
Đến ngày 10/11/2021, Tổng cục DTNN đã hoàn thành việc xuất cấp tổng số 137.090,895 tấn gạo, trị giá khoảng 1.735 tỷ đồng để hỗ trợ cho nhân dân 31 tỉnh, thành phố. Trong đó, Tổng cục DTNN đã sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia (DTQG) sẵn có trên khu vực quản lý là 61.677,409 tấn và mua 75.413,486 tấn gạo theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu trong trường hợp đặc biệt để kịp thời tiếp tục xuất cấp hỗ trợ nhân dân 9 tỉnh miền Nam bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19.
Tổng cục DTNN đã xuất cấp 2.600 bộ nhà bạt cứu sinh các loại cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; xuất 625 bộ nhà bạt cứu sinh các loại, 33 bộ máy phát điện các loại cho UBND thành phố Hồ Chí Minh, Quân khu 7 và một số tỉnh phía Nam để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; tổng giá trị xuất cấp khoảng 53,5 tỷ đồng.
Các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đã xuất cấp: Bộ Quốc phòng 05 bộ thiết bị tiêu tẩy cơ động trị giá khoảng 27 tỷ đồng; Bộ Công an đã xuất 30 chiếc xe chở quân trung đội, 28 chiếc xe chở quân hóa trang và 12 chiếc xe cứu thương, giá trị khoảng 73 tỷ đồng để trang bị cho lực lượng Công an của 30 tỉnh, thành phố; Bộ Y tế đã xuất cấp 42 tấn Chloramin B và 31,7 triệu viên sát khuẩn nước Aquatabs cho các đơn vị, địa phương để phòng chống dịch Covid-19, tổng trị giá khoảng 32,5 tỷ đồng.
Hàng DTQG đã xuất cấp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng; vận chuyển kịp thời đến các địa phương được hỗ trợ; giúp nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống; góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
PV: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã triển khai giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, các tỉnh phía Nam lại vào dịp thời tiết không thuận lợi, Tổng cục DTNN đã thực hiện các giải pháp nào để có thể nhanh chóng cấp phát gạo và trang thiết bị cho người dân và các địa phương, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Phố Giang: Ngay sau khi có quyết định xuất cấp gạo, vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục DTNN đã giao nhiệm vụ cho các Cục DTNN khu vực phối hợp ngay với chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan để xây dựng kế hoạch tiếp nhận sớm; phối hợp trực tiếp với các sở, ban, ngành của địa phương để tổ chức triển khai nhiệm vụ xuất cấp hàng; chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa, kiểm tra chất lượng hàng trước khi xuất kho, chuẩn bị đủ phương tiện vận chuyển, huy động nhân lực, trang thiết bị bốc xếp… để nhanh chóng xuất cấp hàng DTQG đến với người dân.
Thực tế cho thấy, công tác xuất cấp gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ, phòng chống dịch Covid-19 gặp rất nhiều khó khăn; dịch Covid-19 tại các địa phương được cấp phát hàng dự trữ diễn biến phức tạp, nguy hiểm; nguy cơ tiếp xúc, lây nhiễm dịch bệnh rất cao.
Hơn nữa, thời điểm xuất cấp giao nhận hàng đang trong mùa mưa, kho bãi tập kết gạo của hầu hết các quận, huyện đều không đảm bảo, nhất là những “vùng đỏ” vì phải ưu tiên cho việc thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Việc lực lượng tiếp nhận, bảo quản gạo, hàng hóa sau khi bàn giao cũng gặp khó khăn do địa phương đang rất thiếu nhân lực, đặc biệt trong tìm kiếm công nhân bốc xếp với lượng hàng rất lớn, trong thời gian giao nhận rất ngắn. Nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền địa phương và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức ngành DTQG và cán bộ nhân dân các địa phương tiếp nhận gạo DTQG, tất cả các khó khăn đều được khắc phục, nhiều cách làm sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh được thực hiện, giúp công tác xuất cấp gạo, hàng dự trữ trong thời gian qua được nhanh chóng, kịp thời.
Các Cục DTNN khu vực đã mở kho xuất gạo liên tục. Không kể ngày nghỉ, giờ nghỉ, những chuyến xe chở gạo dự trữ quốc gia vẫn lăn bánh, vượt qua khó khăn để hỗ trợ người dân các địa phương vượt qua đại dịch covid-19 với tinh thần không bỏ sót, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong quá trình xuất cấp hàng DTQG, các tập thể, cá nhân luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tìm mọi giải pháp để tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu về thời gian, hiệu quả, tiết kiệm.
PV: Hiện tượng biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, diễn biến bất thường và ngày càng gay gắt, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn khó lường. Tổng cục DTNN ưu tiên giải pháp nào để chủ động ứng phó với tình hình đó, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Phố Giang: Việc chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực để chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh là mục tiêu, nhiệm vụ của ngành DTQG; do đó, trong chiến lược dài hạn, cũng như trong kế hoạch 5 năm, hàng năm, chúng tôi luôn chủ động đề ra các giải pháp để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Trước hết, về giải pháp tổng thể, Tổng cục DTNN sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quan tâm, xây dựng lực lượng DTQG có quy mô đủ mạnh để chủ động, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống đột xuất cấp bách xảy ra.
Về giải pháp cụ thể, Tổng cục DTNN thực hiện đồng bộ các giải pháp: Bố trí nguồn lực DTQG các mặt hàng chiến lược, quan trọng tại các địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó nhanh, hiệu quả khi thiên tai dịch bệnh xảy ra. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch DTQG được giao để đảm bảo mức tồn kho hàng đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, nhất là các mặt hàng như lương thực, hàng y tế, nông nghiệp, vật tư cứu hộ, cứu nạn nhằm sẵn sàng, chủ động xuất cấp phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng DTQG; từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống kho dự trữ quốc gia, cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng đồng bộ nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác xuất cấp hàng DTQG được nhanh chóng, kịp thời. Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành quản lý hàng DTQG với các địa phương, cơ quan, đơn vị để chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực và nhanh chóng triển khai thực hiện xuất cấp hàng DTQG cứu trợ, hỗ trợ cho nhân dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng DTQG; đảm bảo hàng DTQG được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật để nguồn lực DTQG thực sự là một trong những công cụ hữu hiệu, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, trật tự, an toàn xã hội.
PV: Xin cảm ơn bà!
Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam