Tăng cường tiềm lực dự trữ quốc gia trong giai đoạn mới

(05/07/2021)

Dự trữ quốc gia (DTQG) là nguồn dự trữ chiến lược do Nhà nước sở hữu, quản lý nhằm chủ động đáp ứng những mục tiêu, yêu cầu cấp bách về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, thảm họa, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Nguồn lực DTQG được hình thành, bố trí từ ngân sách nhà nước (NSNN), hệ thống kho và hàng DTQG được bố trí trên các vùng kinh tế xã hội và các địa bàn chiến lược trên cả nước, đảm bảo sẵn sàng, chủ động đối phó với mọi tình huống cấp bách xảy ra.

 

Hàng DTQG luôn chủ động, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ được giao

 

Những kết quả đã đạt được giai đoạn vừa qua

Trong giai đoạn 2011-2020, ngành DTQG luôn được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, hàng năm đều bố trí mức tăng NSNN cho DTQG, tổng chi NSNN cho DTQG giai đoạn này trên 8.000 tỷ đồng, qua đó, đến cuối năm 2020 tổng mức DTQG đã đạt trên 11.000 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 1,25 lần năm 2015 và gấp khoảng 1,7 lần so với năm 2010. Việc tăng dần nguồn lực DTQG góp phần tạo sự chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý, điều hành, xuất cấp, phân phối, sử dụng hàng DTQG. Từ năm 2011 đến hết 2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành xuất cấp hàng DTQG với tổng trị giá khoảng 15.500 tỷ đồng để đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ phát sinh, góp phần ổn định đời sống, ổn định sản xuất của nhân dân các vùng bị thiên tai, dịch bệnh; góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng; tăng cường nhiệm vụ quan hệ quốc tế và thực hiện tốt các nhiệm vụ khác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn vừa qua tiềm lực của DTQG vẫn còn hạn chế, tổng mức DTQG còn thấp so với GDP, mới đạt khoảng 0,18% GDP trong khi đó định hướng chiến lược đề ra đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP, mức bố trí NSNN để mua tăng hàng DTQG còn phụ thuộc vào cân đối chung, mới đáp ứng được khoảng 50-60% so với nhu cầu, dẫn tới mức DTQG một số mặt hàng thiết yếu còn chưa đạt được theo định hướng đề ra (lương thực, hàng quốc phòng, an ninh, một số mặt hàng nông nghiệp, y tế); danh mục, cơ cấu hàng DTQG còn dàn trải; hệ thống kho DTQG còn chưa được đầu tư theo đúng quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tăng cường tiềm lực trong giai đoạn mới

Giai đoạn 2021-2030, trước những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid đã tác động tiêu cực đến hầu hết mọi mặt của đời sống xã hội, một số vấn đề an ninh, quốc phòng còn nhiều tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường; đòi hỏi phải có tiềm lực DTQG đủ mạnh để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống đột xuất, cấp bách phát sinh.

Để tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia trong giai đoạn mới và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước chi cho DTQG, cần thiết phải triển khai thực hiện đồng bộ một số mục tiêu, định hướng, giải pháp, như sau:

Thứ nhất, về mục tiêu chung: Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia; xây dựng lực lượng dự trữ quốc gia có quy mô đủ mạnh, danh mục mặt hàng chiến lược, thiết yếu, tiên tiến, hiện đại, có tần suất sử dụng nhiều để sẵn sàng, chủ động ứng phó kịp thời trong các tình huống đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Thứ hai về định hướng: Để đạt được mục tiêu nêu trên, giai đoạn tới cần thiết phải đề ra và thực hiện được những định hướng cơ bản, như sau:

(i) Nguồn lực dự trữ quốc gia phải được phát triển và củng cố, đảm bảo đến năm 2025, tổng mức dự trữ quốc gia gấp khoảng 2 lần năm 2020 và đến năm 2030, tổng mức dự trữ quốc gia gấp 2 lần năm 2025.

(ii) Mức DTQG một số mặt hàng thiết yếu phải tăng dần hàng năm (nhất là mặt hàng lương thực, hàng quốc phòng, an ninh) nhằm đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ được giao trong mọi nhiệm vụ.

(iii) Hệ thống kho đến năm 2030 phải cơ bản được xây dựng hoàn chỉnh theo theo hướng tiên tiến, hiện đại, quy mô lớn, tập trung tại các vùng chiến lược trong cả nước; phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh và thuận lợi trong quá trình nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia. Nguồn vốn đầu tư kho DTQG phải được bố trí theo quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2030 và quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTQG của từng Bộ, ngành. 

(iv) Đẩy mạnh việc nghiên cứu, áp dụng công nghệ bảo quản tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện khí hậu và kinh tế - xã hội của Việt Nam để bảo quản hàng dự trữ quốc gia đạt chất lượng tốt nhất;

(v) Phát triển nguồn nhân lực DTQG bảo đảm đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, có phẩm chất chính trị và năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

(vi) Thúc đẩy xã hội hóa và thu hút nguồn lực ngoài NSNN cho DTQG để tăng cường tiềm lực DTQG và đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng cho DTQG.

Thứ ba về giải pháp: Trên cơ sở định hướng lớn đề ra, để tăng cường nguồn lực DTQG và quản lý, sử dụng hiệu quả hàng DTQG, giai đoạn tới, ngành DTQG cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp:

(i) Hoàn thiện khung pháp lý về DTQG (rà soát sửa đổi Luật Dự trữ quốc gia và các văn bản hướng dẫn thi hành), làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành hoạt động dự trữ quốc gia.

(ii) Bố trí ngân sách nhà nước để tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia theo hướng ưu tiên bố trí tăng dự toán chi NSNN hàng năm cho DTQG với mức tăng cao hơn mức tăng chi bình quân của NSNN. Tập trung mua sắm những mặt hàng  chiến lược, thiết yếu, có tần suất sử dụng nhiều, có tác dụng ứng phó kịp thời trong tình huống đột xuất, cấp bách, đồng thời loại bỏ những mặt hàng không còn phù hợp ra khỏi danh mục chi tiết hàng DTQG.

(iii) Quản lý chặt chẽ hàng DTQG đảm bảo về số lượng, chất lượng, phối hợp với các địa phương để chủ động bố trí các nguồn lực chiến lược, quan trọng tại các địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh; sẵn sàng mọi nguồn lực để triển khai thực hiện xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cho nhân dân các địa phương khi có tình huống cấp bách xảy ra.

(iv) Bố trí ngân sách nhà nước để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kho dự trữ quốc gia theo quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia và quy hoạch chi tiết mạng lưới kho dự trữ quốc gia được cấp có phê duyệt; đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng đồng bộ, phục vụ cho công tác quản lý, điều hành hoạt động dự trữ quốc gia. Huy động nguồn lực hợp pháp ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng hệ thống kho dự trữ quốc gia theo quy hoạch được phê duyệt

(v) Đẩy mạnh và hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý nội bộ và quản lý hàng dự trữ quốc gia; tiếp tục rà soát, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy quản lý hàng dự trữ quốc gia, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ tại các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia trong công tác quản lý, điều hành hoạt động dự trữ quốc gia

(vi) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, quan hệ với các nước tiên tiến trên thế giới để nghiên cứu, tiếp thu và chuyển giao công nghệ bảo quản hàng dự trữ quốc gia, công nghệ xây dựng hệ thống kho dự trữ quốc gia;

(vii) Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ công chức, các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội về dự trữ quốc gia.

Từ thực tiễn công tác quản lý DTQG giai đoạn vừa qua, trước những dự báo về kinh tế -xã hội trong nước, thế giới nói chung và dự báo về các nhân tố có ảnh hướng đến DTQG nói riêng, trong giai đoạn tới, đòi hỏi việc quản lý, điều hành hoạt động DTQG cũng như việc tăng cường tiềm lực cho DTQG phải  được đổi mới, chủ động hơn, hiệu quả hơn nhằm sẵn sàng đáp ứng nhanh, kịp thời trong mọi tình huống bất trắc xảy ra, để DTQG thực sự là một trong những công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong việc góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững của đất nước trong thời kỳ mới.

 

Vụ Kế hoạch



Các tin đã đưa ngày: