Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù chưa thành lập cơ quan chuyên trách dự trữ nhưng Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc chuẩn bị dự trữ các nguồn lực cho công cuộc kháng chiến. Chính sự chuẩn bị tốt về công tác dự trữ đã góp phần to lớn làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Chuẩn bị các nguồn lực cho cuộc kháng chiến
Với kinh nghiệm “Tích cốc, phòng cơ ” của ông cha và tầm nhìn chiến lược, ngay từ khi lập nước, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ vai trò rất quan trọng của công tác dự trữ đối với đất nước. Là người Việt Nam, có lẽ không ai không biết câu chuyện về phong trào “Hũ gạo kháng chiến”, “Hũ gạo cứu đói”, “Hũ gạo nuôi quân”… Trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp đầy khó khăn và thiếu thốn của nhân dân ta, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những “Hũ gạo kháng chiến”, “Hũ gạo cứu đói”, “Hũ gạo tiết kiệm”... đã thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu nước của người dân Việt Nam, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn.
Dân công vận tải lương thực, vật tư phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 là một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Bác Hồ, khi bước vào chiến dịch, quân và dân ta phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thử thách nảy sinh. Một trong những khó khăn đó là làm sao để bảo đảm cung ứng đủ lương thực, thực phẩm cho chiến dịch Điện Biên Phủ, trong khi chiến trường ở rất xa hậu phương, đường tiếp tế thì độc đạo.
Để giải quyết vấn đề khó khăn đó, Bộ Chính trị chủ trương: “toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”. Thực hiện chủ trương đó, nhân dân cả nước tiết kiệm, hăng hái đóng góp lương thực, thực phẩm, phương tiện và sẵn sàng đi dân công, vận chuyển nhu yếu phẩm ra mặt trận phục vụ bộ đội. Cùng với các phong trào tiết kiệm, Chính phủ giao cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng xây dựng ở Đế Rào và các kho muối dự trữ ở chiến khu Việt Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt câu hỏi “nếu chiến sự xảy ra, bộ đội có đủ lương thực để ăn không? sẽ có lúc muối quý hơn vàng”. Theo chỉ đạo của Bác, 20.000 tấn muối đã được mua và vận chuyển từ Diêm Điền, Vạn Lý lên chiến khu Việt Bắc.
Tổng kết toàn chiến dịch, khối lượng vật chất của nhân dân cả nước huy động cho chiến dịch là 23.126 tấn gạo, 266 tấn muối, 917 tấn thực phẩm khác... Vậy là, vấn đề khó khăn nhất trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã được hoá giải bằng chính sức mạnh và sự đồng tâm hiệp lực của đồng bào cả nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Như vậy, có thể thấy rằng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù chưa thành lập cơ quan chuyên trách dự trữ nhưng Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc chuẩn bị các nguồn lực cho công cuộc kháng chiến. Cố Tổng bí Thư Đỗ Mười đã từng cho rằng, vào giai đoạn khó khăn đó, việc dự trữ lương thực, muối là 2 mặt hàng chiến lược quan trọng nhất. Chính sự chuẩn bị tốt về công tác dự trữ đã góp phần to lớn làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Nỗ lực không ngừng cho chặng đường phát triển mới
Với vai trò quan trọng của công tác dự trữ Nhà nước, tháng 9/1955, Quốc hội khóa I đã thông qua nghị quyết mang ý nghĩa lịch sử đối với ngành DTNN là “phải xây dựng một lực lượng dự trữ hùng hậu để ứng phó với mọi tình huống, bất trắc xảy ra”. Sau quá trình chuẩn bị về mọi mặt, đồng thời để thống nhất quản lý hoạt động, ngày 7/8/1956, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 997-TTg về việc thành lập Cục Quản lý vật tư nhà nước với 4 phòng chức năng – là tổ chức tiền thân của ngành DTNN ngày nay.
Giai đoạn 1961 - 1975, do yêu cầu thời chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, DTNN đã kịp thời chuyển đổi phương thức quản lý, theo đó đã chuyển giao một số hàng hóa dự trữ cho các bộ, ngành trực tiếp quản lý, phân tán, sơ tán hàng hóa dự trữ, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đảm bảo an toàn cho dự trữ quốc gia, đồng thời tăng cường quy mô dự trữ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Trong giai đoạn này, DTQG thực hiện nhiệm vụ tăng cường tiềm lực dự trữ để phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện chiến trường miền Nam. Thực hiện chuyển giao nhiệm vụ trực tiếp bảo quản một số hàng hóa cho các Bộ chuyên ngành, sơ tán, phân tán hàng hóa chống chiến tranh phá hoại.
Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, DTQG đã xây dựng hàng loạt hệ thống kho tàng. Các kho xăng dầu được xây dựng ngầm trong lòng đất, đến nay vẫn còn sử dụng tốt như kho A320, hoặc chôn sâu dưới đất dọc các tuyến giao thông. Xây dựng mới hơn 300.000 tấn kho lương thực, hơn 125.000 tấn kho kim khí, thiết bị..
Trong công cuộc đổi mới, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngành DTNN đã tích cực đổi mới cơ chế chính sách về quản lý hàng hóa, vật tư DTQG, thực hiện các biện pháp quản lý linh hoạt, hiệu quả và ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo quản. DTNN đã kịp thời đáp ứng các tình huống khẩn cấp, phòng chống thiên tai bão lụt và tham gia các hoạt động cứu trợ và an sinh xã hội.
Trong các giai đoạn lịch sử phát triển của ngành DTNN, có thể thấy rõ sự lớn mạnh nổi bật từ khi Cục Dự trữ quốc gia chuyển về ngôi nhà chung ngành Tài chính, ngày 24/8/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 102/2000/QĐ-TTg chuyển Cục DTQG về trực thuộc Bộ Tài chính.
Cùng với toàn ngành Tài chính, trong những năm qua, ngành DTNN đã vượt qua khó khăn thách thức để vươn lên, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước. Nguồn lực DTQG đã từng bước được tăng cường, phát huy, sử dụng có hiệu quả.
Thủy Thanh - Đức Minh