Năm 2020, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã gặt hái nhiều kết quả nổi bật trên các mặt công tác. Đây là tiền đề quan trọng để toàn ngành vững tin bước sang năm 2021, thi đua lập nhiều thành tích hơn nữa.
Xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cho các địa phương để phục vụ công tác cứu hộ.
Năm 2020, được sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị quản lý hàng dự trữ quốc gia, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước,cùng với nỗ lực phấn đấu của toàn thể công chức, viên chức, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã gặt hái nhiều kết quả nổi bật trên các mặt công tác. Đây là tiền đề quan trọng để toàn ngành vững tin bước sang năm 2021, thi đua lập nhiều thành tích hơn nữa.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) Đỗ Việt Đức cho biết, năm 2020 Tổng cục DTNN đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nổi bật trong đó có thể kể tới như công tác xuất hàng dự trữ quốc gia (DTQG) cứu trợ, viện trợ; tích cực phối hợp với các bộ ngành xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật trong lĩnh vực dự trữ đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, áp dụng công nghệ tiên tiến vào bảo quản hàng hóa…
Năm 2020, Tổng cục DTNN đã hoàn thành 100% kế hoạch nhập 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc, hoàn thành công tác đấu thầu, ký hợp đồng nhập vật tư, thiết bị.
Cùng với đó, công tác xuất cứu trợ, hỗ trợ các địa phương dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt, dự án trồng rừng, khắc phục hậu quả thiên tai được Tổng cục thực hiện khẩn trương, kịp thời. Các Cục DTNN khu vực được giao nhiệm vụ đã chủ động phối hợp với các đơn vị được UBND cấp tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận gạo nên việc xuất cấp hàng DTQG hỗ trợ các địa phương được bảo đảm đủ số lượng, an toàn tuyệt đối, chất lượng đáp ứng nhu cầu kế hoạch phân bổ, tiếp nhận của các tỉnh.
Từ đầu năm 2020 đến nay (30/11/2020), Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng các bộ, ngành quản lý hàng DTQG theo thẩm quyền đã có các quyết định xuất cấp hàng DTQG cho các địa phương để phòng chống thiên tai, dịch bệnh; tổng giá trị hàng đã xuất cấp khoảng 2.014,5 tỷ đồng. Theo đó, Bộ Tài chính đã xuất cấp khoảng 1.615 tỷ đồng, tăng 418 tỷ đồng so với năm 2019. Trong đó, Tổng cục DTNN thực hiện xuất cấp tổng số 132.100 tấn gạo (tăng khoảng 20.000 tấn so với năm 2019), giá trị khoảng 1.412 tỷ đồng gồm: Hỗ trợ Tết Nguyên đán 6.460 tấn; hỗ trợ thiên tai, mưa lũ, hạn hán 24.284 tấn; hỗ trợ giáp hạt 5.829 tấn; hỗ trợ dự án trồng rừng 18.323 tấn; hỗ trợ học sinh 71.204 tấn; xuất viện trợ nước ngoài 6.000 tấn...
Về vật tư, thiết bị, Tổng cục DTNN đã xuất cấp vật tư, thiết bị theo đề nghị của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để cấp cho bộ, ngành, địa phương để phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn với tổng trị giá 203 tỷ đồng.
“Đến nay, số lượng hàng DTQG đã xuất cấp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và phân bổ đúng đối tượng; vận chuyển kịp thời đến các địa phương được cứu trợ, hỗ trợ, giúp nhân dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống” - ông Đỗ Việt Đức cho biết.
Song song với công tác xuất hàng DTQG cứu trợ, viện trợ, Tổng cục DTNN đã làm tốt công tác bảo quản và quản lý chất lượng hàng DTQG. Tổng cục DTNN đã phối hợp hướng dẫn các bộ, ngành quản lý hàng DTQG thực hiện quản lý chặt chẽ chất lượng hàng DTQG theo quy định tại Thông tư số 130/2014/TT-BTC ngày 9/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý chất lượng hàng DTQG, trong công tác kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng DTQG và các điều kiện đảm bảo chất lượng hàng DTQG. Hàng dự trữ được bảo quản an toàn đủ về số lượng chất lượng đảm bảo.
Đối với các mặt hàng do Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) trực tiếp quản lý, năm 2020, Tổng cục đã thành lập các đoàn phúc tra chất lượng lương thực nhập kho trong năm 2020 tại các Cục DTNN khu vực. Về cơ bản, chất lượng lương thực nhập kho năm 2020 đảm bảo các chỉ tiêu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Bên cạnh đó, Tổng cục đã thực hiện giám sát, kiểm tra chất lượng hàng vật tư DTQG theo kế hoạch nhập kho năm 2020.
Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của năm 2021
Trên cơ sở kết quả đạt được, ông Đỗ Việt Đức cho biết, nền kinh tế Việt Nam dự báo vẫn còn nhiều khó khăn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai bão lũ năm 2020 để lại. Nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh là rất lớn trong khi nguồn lực DTQG còn chưa đáp ứng đủ. Ngành DTNN sẽ tiếp tục vượt qua các khó khăn để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2021.
Theo đó, Tổng Cục DTNN tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch. Xây dựng và ban hành định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quản lý chất lượng hàng DTQG làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành DTQG. Trong đó, năm 2021 tập trung trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch tổng thể kho DTQG đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Trình Bộ Tài chính ban hành 13 Thông tư trong năm 2021.
Đồng thời, tập trung đôn đốc các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản hàng DTQG tích cực triển khai thực hiện kế hoạch được giao theo đúng quy định; hướng dẫn và giải quyết kịp thời về giá, vốn, chi phí cho các bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhập hàng kế hoạch được giao; thẩm định và tổng hợp báo cáo quyết toán vốn, chi phí liên quan đến nhập, xuất và bảo quản hàng DTNN năm của các bộ, ngành theo quy định.
Đặc biệt, chuẩn bị tốt mọi nguồn lực DTQG; chủ động triển khai thực hiện xuất cấp hàng DTQG khi có quyết định của cấp có thẩm quyền; đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ, cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa, khống chế dịch bệnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Về công tác quản lý chất lượng hàng DTQG, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý chất lượng hàng hóa thông qua thanh tra, kiểm tra hàng hóa ngay từ khi nhập kho, trong quá trình bảo quản và xuất kho; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa, nắm bắt kịp thời diễn biến chất lượng hàng hóa từ khi nhập kho đến khi xuất kho; chỉ đạo các đơn vị có biện pháp khắc phục kịp thời khi có sự cố, đảm bảo chất lượng hàng hóa trong quá trình lưu kho bảo quản.
“Tổng cục DTNN tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong việc xử lý, giải quyết các kiến nghị của đơn vị; thực hiện nghiêm Quy chế làm việc; phối hợp chặt chẽ trong giải quyết công việc của Tổng cục; thực hiện trang cấp và quản lý tài sản công theo quy định, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch; nâng cao chất lượng phục vụ và tạo môi trường làm việc thuận lợi cho CBCC” - ông Đỗ Việt Đức cho biết.
Hoàn thành kế hoạch thanh tra chuyên ngành
Trên cơ sở kế hoạch thanh tra chuyên ngành được phê duyệt, Tổng cục DTNN đã triển khai 2/2 cuộc thanh tra. Tổng cục đã hoàn thành thanh tra tại Bộ Công thương. Hiện nay, Tổng cục DTNN có Kết luận thanh tra số 02 /KL-TTr ngày 30/11/2020 về công tác quản lý hàng dự trữ quốc gia tại Bộ Công thương; đơn vị trực tiếp bảo quản hàng là Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex). Tổng cục DTNN đã thực hiện thanh tra chuyên ngành công tác xuất cấp hàng dự trữ quốc gia tại tỉnh Hà Giang, các đơn vị xuất cấp hàng, các đơn vị tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia và các đơn vị có liên quan, hiện đang dự thảo Kết luận thanh tra.
|
Thanh Thủy - Thời báo Tài chính Việt Nam