Liên tiếp từ ngày 06 đến ngày 16/10/2020, dải đất Miền Trung phải hứng chịu 4 đợt áp thấp nhiệt đới, 02 cơn bão mạnh, 02 đợt lũ dữ; những đợt bão xếp bão, lũ chồng lũ đã gây thiệt hại rất nặng nề tại các tỉnh Miền Trung bao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh - là nơi Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ Tĩnh đứng chân. Đặc biệt, đợt lũ thứ hai từ ngày 16/10 là đợt lũ lịch sử mới (vượt qua lịch sử năm 1979, 1999) được đặt mức báo động IV, thuộc về cấp bậc thiên tai nguy hiểm nhất của Việt Nam, ảnh hưởng sâu rộng và tác động gây tổn thất, thiệt hại nghiêm trọng toàn khu vực.
Đ/c Phan Đình Tuấn, Phó Cục trưởng chỉ đạo công tác gia cố, đắp bờ quai
Từ chiều tối ngày 17/10, mưa tầm tã khiến mực nước trên các hồ, đập, sông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh lên cao, để đảm bảo an toàn cho công trình các hồ thủy lợi đồng loạt xả tràn. Đêm ngày 18/10, những cơn mưa xối xả, cùng với hồ Kẻ Gỗ xả tràn tối đa lưu lượng 1.100 m3/giây làm cho nước lũ dâng cao với tốc độ không ngờ, nhiều xã ở các huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh…bị ngập sâu và cô lập; các điểm kho Dự trữ Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bị ngập nước; kho Thạch Tân, Chi cục DTNN Nam Hà Tĩnh nước lũ dâng cao 1,5m, cao nhất trong lịch sử vùng kho. Dù mực nước lũ lên nhanh trong đêm bất ngờ, lại xảy ra vào ngày nghỉ cuối tuần nhưng CBCC kho Dự trữ Thạch Tân dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Bá Nghệ, Chi cục trưởng, Trưởng tiểu ban Phòng, chống lụt bão Chi cục DTNN Nam Hà Tĩnh đã chủ động dùng đất sét đắp bờ bao quanh kho; chuẩn bị đầy đủ các công cụ, dụng cụ như máy phát điện, máy bơm, đất sét…cùng nhu yếu phẩm phục vụ cho công tác chống lũ.
Dùng máy bơm chìm xách tay hút nước ra khỏi kho
Trước tình hình diễn biến phức tạp, nguy cấp, tập thể lãnh đạo Cục đã họp và thành lập các Đoàn công tác đi xuống đơn vị để trực tiếp chỉ đạo công tác chống lũ. Rạng sáng ngày 19/10/2020, vượt qua các tuyến đường giao thông nguy hiểm, trong đó có những đoạn bị nước lũ chia cắt, Đoàn công tác do đồng chí Cục trưởng làm Trưởng đoàn đã khẩn trương tiếp cận Kho Dự trữ Thạch Tân để trực tiếp chỉ huy công tác ứng phó với lũ. Chiều cùng ngày, lãnh đạo Cục đã tăng cường thêm lực lượng cán bộ chủ chốt và Đoàn Thanh niên văn phòng Cục chi viện cho điểm kho xung yếu Thạch Tân. Bằng tinh thần xả thân quên mình, Lãnh đạo Cục đã cùng với đội ngũ CBCC Cục vượt lên cái đói, ăn vội gói mỳ tôm sống, dầm mình trong nước lũ dưới cái lạnh thấu xương, tiếp tục vận chuyển đất đắp, gia cố “bờ quai” ngăn nước vào kho. Những bức tường bằng đất sét dẻo được đắp cao hơn mực nước thềm kho khoảng 50 cm đã phát huy rất tốt vai trò là lá chắn vững chãi ngăn nước tràn vào kho hiệu quả. Tuy nhiên, do lũ vẫn không ngừng đổ về, nước từ dưới gầm kho trào lên và nước thấm giữa các bức tường ngăn với kho trống đã làm cho nước lũ tràn vào kho. Lúc này, đơn vị phải dùng máy bơm chìm xách tay thức trắng đêm hút nước ra khỏi kho, quyết tâm bám trụ, chống chọi với nước lũ kịp thời ứng cứu hàng DTQG khỏi nguy cơ xâm hại của nước lũ. Sáng ngày 20/10, do lượng mưa khu vực hồ Kẻ Gỗ đã giảm nên lượng xả lũ chỉ còn 790m³/s, nước bắt đầu rút chậm. Lúc này, sự lo lắng của CBCC kho Dự trữ Thạch Tân mới giảm đi phần nào và mọi người lại khẩn trương vệ sinh kho tàng sau lũ, kiểm tra các ngăn kho bảo quản.
Dùng thuyền xúc đất đắp bờ ngăn nước vào kho tại Kho DT Thạch Tân - Chi cục DTNN Nam Hà Tĩnh
Không còn phải đón những đợt mưa xối xả, những trận cuồng phong, nước cũng đã rút ra khỏi kho Dự trữ, CBCC Chi cục DTNN Nam Hà Tĩnh nói riêng, Cục DTNN khu vực Nghệ Tĩnh nói chung phấn khởi vì những kết quả đạt được trong đợt chống lũ vừa qua. Thành tích này đã góp phần giữ gìn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ dữ gây ra đối với nguồn lực DTQG, cũng là bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng, chống bão lũ hiệu quả. Vượt qua bao nỗi khó khăn, cán bộ công chức Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ Tĩnh tiếp tục sẵn sàng xuất cấp nguồn lực DTQG khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, đảm bảo về số lượng và chất lượng./.
Cục DTNN khu vực Nghệ Tĩnh