Đấu thầu mua hàng dự trữ quốc gia là một hoạt động trọng tâm trong công tác quản lý hàng dự trữ quốc gia. Để bạn đọc hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Vũ Anh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) về một số giải pháp tăng cường minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu mua hàng dự trữ quốc gia trong thời gian qua.
Ông Phạm Vũ Anh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước
PV: Vừa qua, Tổng cục DTNN đã hoàn thành nhập kho DTQG gạo và thóc theo kế hoạch năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc mua gạo dự trữ đã triển khai?
Ông Phạm Vũ Anh: Năm 2020, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) được giao nhiệm vụ mua 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc. Kết quả đến tháng 8/2020, Tổng cục DTNN đã hoàn thành mua nhập kho DTQG đủ số lượng 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc, đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch.
Những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến giá lương thực trên thị trường thế giới và trong nước tăng cao, nhiều nhà thầu trúng thầu đã từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo, gây khó khăn cho công tác đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia kế hoạch năm 2020.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo các Cục DTNN khu vực khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc để mua đủ 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc tại các địa bàn trong cả nước, bảo đảm hoàn thành kế hoạch được giao.
Tôi cho rằng, kết quả đấu thầu mua gạo là cạnh tranh, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Việc hoàn thành kế hoạch mua đảm bảo nguồn lực dự trữ quốc gia, sẵn sàng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp xảy ra, nhất là trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
Về quản lý chất lượng hàng DTQG, Tổng cục DTNN đã xác định là nhiệm vụ trung tâm, được thực hiện đồng bộ từ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, đến tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra. Công tác kiểm tra chất lượng được thực hiện ngay từ đầu vào, trong suốt quá trình bảo quản và cả khi xuất ra cửa kho.
Việc kiểm tra chất lượng lương thực được giao cho các Cục DTNN khu vực. Trong quá trình nhập kho Tổng cục DTNN đã thành lập các đoàn công tác tổ chức lấy mẫu, phúc tra chất lượng lương thực tại 22/22 Cục DTNN khu vực. Qua kết quả thử nghiệm tại phòng thử nghiệm VILAS cho thấy chất lượng lương thực nhập kho dự trữ quốc gia bảo đảm theo quy định.
PV: Trước đây (tháng 5/2020), đã xảy ra sai phạm tại một số Cục DTNN địa phương, ông đánh giá thế nào về công tác triển khai đấu thầu mua gạo tại các Cục DTNN khu vực trong thời gian gần đây?
Ông Phạm Vũ Anh: Chúng tôi đã tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương cán bộ, không để xảy ra những vụ việc gây hậu quả và tác động tiêu cực do quan liêu trong quản lý khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Hiện nay, việc lựa chọn đơn vị cung cấp gạo nhập kho DTQG thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu. Tổng cục DTNN thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền, còn các Cục DTNN khu vực thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu. Các Cục DTNN khu vực xây dựng kế hoạch đấu thầu trình Tổng cục DTNN phê duyệt. Sau khi nhận được kế hoạch đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp gạo nhập kho DTQG, các Cục DTNN khu vực xây dựng, hoàn thiện hồ sơ mời thầu và thực hiện đầy đủ, công khai quy trình đấu thầu. Đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp gạo cho DTQG trong năm 2020 cũng như nhiều năm nay thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Việc áp dụng hình thức lựa chọn đấu thầu rộng rãi đã tạo mọi điều kiện cho nhà thầu có đủ năng lực tham gia.
Các Cục DTNN khu vực đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đấu thầu bảo đảm công khai, minh bạch. Hồ sơ mời thầu được thông báo công khai và đăng tải rộng rãi trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để các nhà thầu có nhu cầu cung cấp gạo có thể chủ động nghiên cứu, tiếp cận hồ sơ mời thầu nhanh chóng và có phương án, kế hoạch tham gia dự thầu. Vì vậy, có thể khẳng định đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp gạo cho DTQG vừa qua tại các địa phương là công khai, minh bạch đúng quy định pháp luật.
PV: Theo báo cáo của đơn vị, đến nay 100% các gói thầu mua vật tư thiết bị dự trữ quốc gia đã được tổ chức đấu thầu qua mạng, ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả lợi ích đối với nhà nước so với cách làm cũ?
Ông Phạm Vũ Anh: Hiện nay việc tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp vật tư, thiết bị DTQG được đấu thầu qua mạng. Việc tổ chức đấu thầu qua mạng đã làm giảm thủ tục hành chính và chi phí dự thầu cho nhà thầu; tăng cường tính cạnh tranh, công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Các khâu như lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của hàng hóa. Đặc biệt, các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của hàng DTQG, yêu cầu về giao, nhận, bảo quản được quy định rất cụ thể trong các hồ sơ mời thầu; các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về chất lượng được quy định rất cụ thể cho từng mặt hàng và công bố công khai tại các thông tư của Bộ Tài chính; do đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu cung cấp hàng DTQG, đồng thời bảo đảm chất lượng hàng DTQG trong quá trình đấu thầu mua sắm và nhập kho DTQG.
Việc mua vật tư, thiết bị DTQG được chuyển đổi từ đấu thầu truyền thống (hồ sơ mời thầu bằng giấy) sang đấu thầu qua mạng đã bảo đảm tăng cường tính minh bạch, góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cung cấp, tiết kiệm thời gian và chi phí tổ chức lựa chọn nhà thầu, hạn chế tình trạng phải gia hạn thời điểm đóng thầu so với trước đây, đồng thời hạn chế khiếu nại, kiến nghị của các nhà thầu.
Trong thời gian qua, công tác đấu thầu mua hàng DTQG đã bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả; tăng tính cạnh tranh và lựa chọn được những nhà thầu có đủ năng lực cung cấp hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn DTQG, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước chi cho mua hàng DTQG.
PV: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã có những chỉ đạo gì trong toàn hệ thống của mình, thưa ông?
Ông Phạm Vũ Anh: Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về DTQG trong thời gian tới, Tổng cục DTQG đã chỉ đạo, quán triệt các đơn vị thực hiện một số nội dung đồng bộ.
Trước hết, cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị phải làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính về công tác quản lý cán bộ, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, không để xảy ra những vụ việc gây hậu quả và tác động tiêu cực do quan liêu trong quản lý, do thiếu trách nhiệm, tắc trách, vô kỷ luật trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Lãnh đạo Tổng cục DTNN đang tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách nội ngành về: công tác bảo vệ bí mật nhà nước; công tác quản lý, sử dụng tài sản công; công tác nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG...; tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra theo định kỳ và đột xuất nhằm phát hiện ra khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện nhiệm vụ để để xuất với Tổng cục kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi cho phù hợp; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, trong đó tập trung tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức tại các Chi cục DTNN, các kho DTQG để nâng cao tính chủ động, tăng cường giám sát trong thực hiện nhiệm vụ; trang bị cơ sở vật chất để tạo điều kiện thuận lợi cho công chức thực thi công vụ đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Cuối cùng, chúng tôi chú trọng tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt là phổ biến, quán triệt các đơn vị thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến DTNN nhằm tạo sự chuyển biến về ý thức trách nhiệm của đơn vị, cá nhân, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Huy Thắng (Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ)