Lịch sử vẻ vang
Việt Nam là một đất nước luôn phải gồng mình chống chọi với hiểm họa thiên nhiên. Điều kiện tự nhiên, lịch sử đã tạo cho người Việt Nam sớm có ý thức về dự trữ, ý thức đó đúc kết thành tư tưởng “tích cốc phòng cơ” của ông, cha ta. Đó chính là cội nguồn của Dự trữ Nhà nước (DTNN) ngày nay.
Cơ sở dự trữ đầu tiên được Chính phủ giao cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng xây dựng ở Đế Rào và các kho muối dự trữ ở chiến khu Việt Bắc. Bác Hồ luôn đặt câu hỏi “nếu chiến sự xảy ra, bộ đội có đủ lương thực để ăn không? sẽ có lúc muối quý hơn vàng”. Theo chỉ đạo của Bác, 20.000 tấn muối đã được mua và vận chuyển từ Diêm Điền, Vạn Lý lên chiến khu Việt Bắc.
Tháng 9/1955, Quốc hội khóa I đã thông qua nghị quyết mang ý nghĩa lịch sử đối với ngành DTNN là “phải xây dựng một lực lượng dự trữ hùng hậu để ứng phó với mọi tình huống, bất trắc xảy ra”. Sau quá trình chuẩn bị về mọi mặt, đồng thời để thống nhất quản lý hoạt động, ngày 7/8/1956, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 997-TTg về việc thành lập Cục Quản lý vật tư nhà nước với 4 phòng chức năng – là tổ chức tiền thân của ngành DTNN ngày nay.
Thời gian đầu thành lập, tổ chức bộ máy còn đơn giản, khối lượng hàng hóa dự trữ nhỏ bé, hệ thống bảo quản hầu hết là kho lán tạm, cơ chế quản lý dự trữ dường như chưa có, mặc dù vậy cán bộ dự trữ toàn ngành nỗ lực vượt bậc, vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Ngay sau khi thành lập, giai đoạn 1956 – 1960, Cục Quản lý Vật tư nhà nước vừa thực hiện tiếp nhận hàng hóa, kho tàng, vừa đẩy mạnh nhập tăng cường hàng hóa dự trữ; đã xây dựng hệ thống kho chứa 64.000 tấn thóc, 25.000 tấn muối, 12.160 m2 kho chứa vật tư thiết bị. Đồng thời, xuất cấp 160.000 tấn lương thực cung cấp cho cán bộ nhà nước, công nhân viên, quân đội, cứu đói cho dân, thóc giống cho sản xuất nông nghiệp và hàng vạn tấn kim khí, xi măng hóa chất, thuốc tân dược, hàng nghìn tấn thiết bị, săm lốp cho các công trình trọng điểm như nhà máy đường Vạn Điểm, đường sắt Đông Anh – Thái Nguyên, các công trình thủy lợi ở miền Bắc…
Giai đoạn 1961 - 1975, do yêu cầu thời chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, DTNN đã kịp thời chuyển đổi phương thức quản lý, theo đó đã chuyển giao một số hàng hóa dự trữ cho các bộ, ngành trực tiếp quản lý, phân tán, sơ tán hàng hóa dự trữ, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đảm bảo an toàn cho dự trữ quốc gia, đồng thời tăng cường quy mô dự trữ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Nhờ triển khai đồng thời các giải pháp, bình quân tổng giá trị hàng dự trữ trong những năm 1970 - 1975 tăng từ 5 - 7 lần. Thời gian này, chúng ta đã tiến hành vận chuyển, sơ tán hàng vạn tấn xăng dầu, lương thực, kim khí, thiết bị suốt ngày đêm dưới bom đạn. Tổng giá trị hàng hóa xuất kho phục vụ các lực lượng vũ trang trực tiếp chiến đấu chiếm 28,5%, cho các lực lượng phục vụ chiến đầu chiếm 65,1%, cho sản xuất và dân sinh chiếm 6%, trong giai đoạn 1961 - 1975.
Năm 1988, Hội đồng Quản lý Nhà nước quyết định đổi tên Cục Quản lý vật tư Dự trữ Nhà nước thành Cục Dự trữ Quốc gia (DTQG). Chính phủ phân công 9 bộ quản lý hàng DTQG.
Lớn mạnh không ngừng
Trong công cuộc đổi mới, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngành DTNN đã tích cực đổi mới cơ chế chính sách về quản lý hàng hóa, vật tư DTQG, thực hiện các biện pháp quản lý linh hoạt, hiệu quả và ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo quản. DTNN đã kịp thời đáp ứng các tình huống khẩn cấp, phòng chống thiên tai bão lụt và tham gia các hoạt động cứu trợ và an sinh xã hội.
Ngày 24/8/2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 102/2000/QĐ-TTg chuyển Cục DTQG về Bộ Tài chính. Về cơ cấu tổ chức, Bộ Tài chính đề xuất nâng cấp Cục DTQG thành Tổng cục DTNN, các đơn vị DTQG khu vực được đổi thành Cục DTNN khu vực, thành lập thêm 4 Cục DTNN khu vực, nâng tổng số Cục DTNN khu vực lên 22 đơn vị tại các địa bàn chiến lược trên cả nước. Cục DTNN khu vực có các Chi cục DTNN trực thuộc. Hệ thống DTQG được hoàn thiện với 3 cấp quản lý.
Trong giai đoạn 20 năm thuộc Bộ Tài chính (2000 - 2020), ngành DTNN đã có thêm những điều kiện để phát triển và khẳng định vai trò, với nhiều dấu ấn đặc biệt, lớn mạnh không ngừng.
Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, nguồn lực DTQG được tăng cường, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đột xuất, cấp bách phục vụ nhân dân và các nhiệm vụ khác được Đảng và Nhà nước giao. Hàng năm, Nhà nước bố trí tăng ngân sách nhà nước cho DTQG; tổng mức ngân sách bố trí để mua hàng DTQG giai đoạn 2016 - 2020 gần 12.000 tỷ đồng. Việc tổ chức mua sắm hàng DTQG được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, hiệu quả, tiết kiệm. Mặt hàng đưa vào dự trữ đều là những mặt hàng thiết yếu, quan trọng, phù hợp với tiêu chí và mục tiêu sử dụng DTQG. Quá trình xuất nhập hàng DTQG được vận hành an toàn, chất lượng hàng hóa đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy mô DTNN không ngừng lớn mạnh, công tác cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ, được tổ chức kịp thời, tính chuyên nghiệp cao, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.
Trong thời gian từ năm 2015 đến 30/6/2020, toàn ngành DTNN đã thực hiện mua nhập kho dự trữ 458.360 tấn thóc, hơn 1 triệu tấn gạo, 6.000 tấn muối ăn và hàng trăm nghìn phương tiện cứu sinh, cứu hộ cứu nạn, tổng trị giá khoảng 15.094 tỷ đồng.
Các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đã nhập tăng hàng DTQG với tổng giá trị khoảng 4.228 tỷ đồng, nhờ có lực lượng dự trữ tăng cường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ và xuất cho các chương trình mục tiêu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Tổng cục DTNN (Bộ Tài chính) cùng các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đã thực hiện xuất cấp hơn 9.542 tỷ đồng hàng DTQG.
Các mặt hàng xuất cấp đảm bảo về số lượng, chất lượng và phân bổ đúng đối tượng, vận chuyển kịp thời đến các địa phương được cứu trợ, hỗ trợ, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, góp phần giúp đồng bào kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện nhiệm vụ quốc tế.
Nguồn lực dự trữ quốc gia được tăng cường, đáp ứng yêu cầu đột xuất cấp bách
Trong giai đoạn 20 năm thuộc Bộ Tài chính (2000 - 2020), ngành Dự trữ Nhà nước đã có thêm những điều kiện để phát triển và khẳng định vai trò, với nhiều dấu ấn đặc biệt, lớn mạnh không ngừng.
Giai đoạn từ năm 2016 - 2020, nguồn lực dự trữ quốc gia được tăng cường, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đột xuất, cấp bách phục vụ nhân dân và các nhiệm vụ khác được Đảng, Nhà nước giao. Hàng năm, Nhà nước bố trí tăng ngân sách nhà nước cho dự trữ quốc gia; tổng mức ngân sách bố trí để mua hàng dự trữ quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 gần 12.000 tỷ đồng. Việc tổ chức mua sắm hàng dự trữ quốc gia được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, hiệu quả, tiết kiệm.
|