Thanh tra góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý dự trữ Nhà nước

(20/11/2014)

Trong những năm qua, hệ thống Thanh tra chuyên ngành của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) từ cấp Tổng cục cho đến các Cục DTNN khu vực, đã thực hiện chức năng tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục trong việc chủ động phòng ngừa và phát hiện kịp thời những vi phạm để kiến nghị với cấp có thẩm quyền, nhằm xây dựng, củng cố và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý của ngành để đề xuất với các biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý dự trữ quốc gia (DTQG), bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí, cùng lãnh đạo Tổng cục DTNN

kiểm tra công tác bảo quản hàng dự trữ tại các điểm kho của Cục DTNN khu vực Đà Nẵng

 

Kiện toàn và đổi mới hoạt động thành tra chuyên ngành

Từ khi Luật Dự trữ quốc gia được Quốc hội thông qua, thay thế Pháp lệnh Dự trữ quốc gia đã đánh dấu một bước ngoặt lớn, khẳng định vị trí của hệ thống Thanh tra chuyên ngành về DTQG. Theo Điều 11, Luật Dự trữ quốc gia, thì thanh tra chuyên ngành về DTQG là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực DTQG, thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về DTQG theo quy định của pháp luật về thanh tra. Để đáp ứng yêu cầu này, Lãnh đạo Tổng cục DTNN đã chỉ đạo xây dựng hệ thống Thanh tra chuyên ngành theo hướng từng bước xây dựng, củng cố đội ngũ để Thanh tra dự trữ ngày càng lớn mạnh. Từ chỗ, trước năm 2009 Thanh tra chỉ là một bộ phận thuộc Ban Chính sách của Cục DTQG với 4 - 5 cán bộ, đến nay đã được tổ chức quản lý theo hệ thống gồm Vụ Thanh tra Dự trữ tại Tổng cục DTNN và các phòng Thanh tra, kiểm tra tại 22 Cục DTNN khu vực trải dài từ Bắc đến Nam với trên 65 cán bộ làm công tác thanh tra chuyên ngành.

Cùng với sự lớn mạnh về tổ chức, trong những năm qua, Tổng cục DTNN chủ động hoàn thiện về thể chế chính sách, nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện bản lĩnh chính trị đáp ứng tốt nhất nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Theo đó, thứ nhất, công tác xây dựng cơ chế chính sách, sau khi Luật DTQG, Luật Thanh tra, và Luật Xử lý vi phạm hành chính được ban hành, công tác xây dựng thể chế chính sách về thanh tra chuyên ngành được đặc biệt quan tâm và triển khai đồng bộ. Tổng cục DTNN đã triển khai cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước về thanh tra cho phù hợp với ngành DTQG trong các lĩnh vực. Thứ hai, hàng năm, Vụ Thanh tra đã tổ chức triển khai thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành với số cuộc thanh tra, kiểm tra ngày một nhiều lên. Nếu như trước năm 2013, chưa thực hiện cuộc thanh tra nào, thì từ  năm 2013 đến 2014, Tổng cục DTNN đã tiến hành tổ chức 3 cuộc thanh tra. Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay, đã tổ chức 25 cuộc kiểm tra chuyên ngành tại các đơn vị thuộc các Bộ, ngành được phân công quản lý hàng DTQG và đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục DTNN. Phòng Thanh tra, kiểm tra tại các Cục DTNN  khu vực cũng tổ chức kiểm tra trên  300 cuộc.

Nội dung các cuộc thanh tra, kiểm tra tập trung vào thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch mua, bán, nhập, xuất và công tác bảo quản hàng DTQG; tổ chức xuất hàng DTQG cho các địa phương theo quyết định của cấp có thẩm quyền; công tác đầu tư xây dựng cơ bản; công tác đấu thầu mua sắm tài sản, hàng hóa DTQG. Với phương châm: “phòng hơn chống”, nên qua kiểm tra, thanh tra đã phát hiện và kịp thời chấn chỉnh các sai phạm trong công tác quản lý DTQG. Các đơn vị được kiểm tra, thanh tra cũng nhận thấy những sai sót để khắc phục, hoàn thiện hơn trong công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng công việc, đảm bảo hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. 

Thứ ba, cùng với thanh tra thì công tác giải quyết khiếu nại tố cáo cũng được Tổng cục DTNN hết sức coi trọng, thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và các quy định của pháp luật; không có đơn thư khiếu tố tồn đọng, chưa giải quyết. Tại cơ quan Tổng cục DTNN và các Cục DTNN khu vực không có hiện tượng khiếu kiện tập thể tại trụ sở tiếp công dân của đơn vị. Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN đã tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, chủ động công khai, minh bạch các nội dung dung liên quan đến tài chính và ngân sách, mua sắm công và đầu tư xây dựng, chi tiêu nội bộ, công tác tổ chức cán bộ…, vừa đảm bảo tính dân chủ, tăng cường sự giám sát vừa nâng cao nhận thức và hành động trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Thường xuyên cập nhật và quán triệt các quy định mới của pháp luật và nghị quyết của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo của cấp trên về công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Từ đó đã nâng cao trình độ, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức trong toàn ngành.

Thứ tư, đổi mới trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, mà điểm đáng chú ý nhất là sự gắn kết trong một thể thống nhất từ Vụ Thanh tra đến các phòng Thanh tra, kiểm tra tại các Cục DTNN khu vực thông qua công tác chuyên môn nghiệp vụ. Điển hình là viêc tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ thanh tra toàn ngành; việc tổ chức nhân sự của các Đoàn Thanh tra, kiểm tra của Tổng cục luôn có các thành viên của Cục DTNN khu vực tham gia để thực hiện thanh tra, kiểm tra chéo giữa các Cục DTNN khu vực. Điều này đã tăng cường sự trao đổi kinh nghiệm, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn của mỗi cán bộ thực hiện công tác thanh tra.

Với những nỗ lực trên, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành dự trữ đã có nhiều chuyển biến thiết thực, hiệu quả, góp phần chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước và hoàn thiện cơ chế trên nhiều lĩnh vực. Phần lớn các cuộc kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, kết quả kiểm tra có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa sai phạm và chấn chỉnh công tác quản lý, công tác chỉ đạo điều hành, giữ gìn kỷ cương, nâng cao hiệu lực trong việc thực thi chính sách, pháp luật. Đặc biệt, chất lượng các cuộc kiểm tra được nâng lên, các kiến nghị, kết luận thanh tra đã được các đối tượng thanh tra, kiểm tra chấp hành sửa chữa và khắc phục kịp thời. Vì thế, Thanh tra chuyên ngành DTQG đã được được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2013; được Bộ trưởng Bộ Tài chính tặng Danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc năm 2012.

Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả

Từ những kết quả đã đạt được, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý, Tổng cục DTNN sẽ tăng cường năng lực hệ thống thanh tra chuyên ngành DTQG. Trước hết, sẽ nghiên cứu, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành DTQG, đảm bảo phù hợp với Luật Thanh tra năm 2010, Luật Dự trữ quốc gia và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012…; tiếp đến là, hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; tăng cường biên chế; trang bị trang phục, phù hiệu, biển hiệu, cấp hiệu cho lực lượng thanh tra chuyên ngành DTQG. Nghiên cứu, đổi mới hoạt động thanh tra, để nâng cao chất lượng, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực DTQG, như xây dựng các quy trình nghiệp vụ thanh tra thuộc lĩnh vực DTQG; xây dựng Sổ tay thanh tra chuyên ngành về DTQG, Quy trình xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực DTQG … Bên cạnh đó, sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ cán bộ đi đào tạo nâng cao, tập huấn ngắn hạn, dài hạn để có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cao để đảm bảo chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra đủ về chiều sâu và chiều rộng; đồng thời, trang bị đủ trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực DTQG theo chức năng và nhiệm vụ được giao./.

                 Tổng cục Dự trữ Nhà nước

 



Các tin đã đưa ngày: