Nhìn lại 57 năm thành lập ngành Dự trữ Nhà nước (7/8/1956 – 7/8/2013)

(25/07/2013)

Dự trữ quốc gia là nguồn dự trữ chiến lược của Nhà nước để phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra với đời sống xã hội, phục vụ an ninh, quốc phòng và tham gia điều hòa bình ổn thị trường; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, kinh tế của đất nước và thực hiện các nhiệm vụ khác của Chính phủ. Với những nhiệm vụ, vai trò to lớn đó, ngày 7/8/1956 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 997/TTg về việc thành lập Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước, trực thuộc Thủ tướng phủ, đây chính là tổ chức tiền thân của Tổng cục Dự trữ Nhà nước ngày nay. Từ đó, đối với cán bộ, công chức ngành Dự trữ Nhà nước, ngày 7 tháng 8 hàng năm trở thành ngày truyền thống của ngành.

Trải qua 57 năm (07/8/1956 - 07/8/2013) xây dựng, trưởng thành và phát triển, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và của Bộ Tài chính cùng với sự cố gắng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ngành Dự trữ Nhà nước ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong nền kinh tế - xã hội của đất nước; có nhiều đóng góp quý báu vào sự nghiệp kháng chiến giành độc lập dân tộc, vào công cuộc kiến thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ cứu nước, DTQG đã xuất hàng trăm ngàn tấn lương thực, hàng ngàn xe máy các loại và nhiều thiết bị, vật tư DTQG phục vụ cho nhu cầu của chiến trường và đời sống nhân dân. Trong cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc, DTQG cũng đã xuất hàng vạn tấn lương thực và hàng trăm chiếc ôtô các loại để phục vụ chiến đấu.

Khi Đất nước hoàn toàn thống nhất, DTQG đã dự trữ hàng triệu tấn lương thực, cùng nhiều vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn và các chủng loại hàng hóa thiết yếu khác có giá trị hàng ngàn tỷ đồng; góp phần tiêu thụ hàng hóa cho nông dân đồng thời tăng cường lực lượng dự trữ, phục vụ cho các hoạt động cứu trợ, cứu nạn, bình ổn thị trường đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước.

Ngoài ra, thực hiện nghĩa vụ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta trước những hậu quả của thiên tai đối với các nước bè bạn, Chính phủ ta đã sử dụng hàng DTQG như lương thực, vật tư, thiết bị để viện trợ nhân đạo cho các nước gặp khó khăn như: Cu Ba, Campuchia, Indonexia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Mông Cổ, Angola, Mondavi và một số nước khác với tổng giá trị lên tới hàng chục triệu USD.

Sự trưởng thành của ngành Dự trữ Nhà nước trong 57 năm qua được thể hiện rõ nét trên các mặt sau:

- Không ngừng phát triển tổ chức để thích ứng với các giai đoạn cách mạng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: Để đổi mới cơ chế quản lý, đáp ứng được yêu cầu công việc, công tác kiện toàn và phát triển tổ chức đặc biệt được chú trọng và ngày càng hoàn thiện. Với ngày đầu thành lập, Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước chỉ có 04 Phòng nghiệp vụ giúp việc cho Cục trưởng; trực thuộc Cục có 18 Ban Đại diện Vật tư dự trữ, trực tiếp quản lý vật tư dự trữ tại các tỉnh phía Bắc. Trải qua quá trình phát triển với rất nhiều biến đổi về tổ chức, khi phân tán, lúc tập trung và thực tiễn cho thấy việc tập trung nguồn lực dự trữ được quản lý thống nhất bởi cơ quan quản lý chuyên trách đã thực sự là công cụ hữu hiệu giúp Chính phủ điều hành có kết quả, bảo đảm sự ổn định trong chiến lược phát triển bền vững đất nước; trong tình hình mới, để khẳng định vai trò, nhiệm vụ của Dự trữ Nhà nước, ngày 20/8/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 106/2009/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính. Việc Cục Dự trữ quốc gia được tổ chức theo mô hình Tổng cục trực thuộc Bộ Tài chính đã đặt ngành Dự trữ Nhà nước ở vị thế mới, với tầm vóc mới, tương xứng với vị trí, vai trò và sự tin yêu của Đảng và Nhà nước. Theo đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước được tổ chức theo hệ thống dọc với 3 cấp quản lý: Tổng cục, Cục DTNN khu vực và Chi cục DTNN. Tại cơ quan Tổng cục Dự trữ Nhà nước có 09 tổ chức gồm 07 Vụ chức năng, Văn phòng, Cục Công nghệ thông tin; trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước có 22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực quản lý hàng DTQG trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố; có 98 Chi cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, quản lý 234 điểm kho; 01 Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Dự trữ Nhà nước trực thuộc Tổng cục. Tiếp đó, ngày 15/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 162/QĐ-TTg về việc chuyển giao mặt hàng muối DTQG từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Bộ Tài chính quản lý; theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã tiếp nhận bàn giao hệ thống quản lý muối DTQG từ ngày 01/4/2013.

 

Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính

 

Với mô hình tổ chức mới đã và đang tạo tiền đề thuận lợi cho ngành Dự trữ Nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý các hoạt động dự trữ trên bình diện cả nước. Thực hiện tốt hơn nữa khả năng đáp ứng kịp thời khi có các biến cố xảy ra theo yêu cầu của Chính phủ, thực sự là công cụ quản lý quan trọng của Chính phủ trong quá trình phát triển bền vững của đất nước.

 

Các thế hệ Lãnh đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục DTNN chụp ảnh kỷ niệm 55 năm thành lập ngành DTNN

 

- Đẩy mạnh xây dựng cơ chế chính sách: Để nâng cao hiệu quả hoạt động dự trữ trong điều kiện phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế; sau nhiều năm nỗ lực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn xây dựng cơ chế chính sách, ngày 20/11/2012, Luật dự trữ quốc gia đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII với 99,8% số phiếu tán thành. Đây là một thành công rất lớn đối với hoạt động dự trữ quốc gia, là kết quả sự nỗ lực tập trung của toàn ngành, cùng với sự giúp đỡ hiệu quả của các cơ quan đầu ngành, các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia. Luật dự trữ quốc gia là công cụ hữu hiệu quản lý các hoạt động dự trữ, nâng vị thế, vai trò ngành Dự trữ Nhà nước lên một tầm cao mới.

 

Nhóm cán bộ Ban biên tập Dự án Luật Dự trữ quốc gia

 

Trong những ngày tháng này, để đưa Luật dự trữ quốc gia thực sự đi vào cuộc sống, hoạt động của xã hội ngành Dự trữ Nhà nước đang huy động mọi nguồn lực, tập trung trí tuệ xây dựng Nghị định và các Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật; tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành quản lý hàng DTQG tiến hành khảo sát, đánh giá thực hiện cơ chế, chính sách để xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia cho phù hợp với Luật dự trữ quốc gia.

 

Đ/c Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN báo cáo

với Đoàn đại biểu Quốc Hội TP. Hải Phòng về dự án Luật dự trữ quốc gia

 

- Công tác xây dựng Chiến lược và Quy hoạch mạng lưới kho dự trữ: Ngày 28/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2091/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020. Mục tiêu của Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020 được xác định cụ thể: “Tăng cường tiềm lực dự trữ quốc gia, đảm bảo đến năm 2015, tổng mức dự trữ quốc gia đạt khoảng 0,8-1% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP”. Đó là yêu cầu cấp bách và đặc biệt quan trọng đặt ra đối với ngành Dự trữ Nhà nước trong giai đoạn tiếp theo, đòi hỏi ngành Dự trữ Nhà nước cần nỗ lực hơn nữa để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; để triển khai được Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.   

Đồng thời với việc xây dựng chiến lược, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã tập trung chỉ đạo công tác xây dựng Quy hoạch chi tiết mạng lưới kho dự trữ và hiện đại hóa công nghệ bảo quản hàng DTQG. Bên cạnh việc đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, kiện toàn và phát triển tổ chức bộ máy, công tác quy hoạch đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ bảo quản hàng dự trữ được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Về công tác xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện nay Tổng cục đang triển khai thực hiện Quyết định số 94/QĐ-TTg ngày 17/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống kho Dự trữ Nhà nước đến năm 2020 và Quyết định số 403/QĐ-BTC ngày 10/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt Quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTNN thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước đến năm 2020. Theo đó, Tổng cục có nhiệm vụ đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống kho dự trữ, bảo đảm vừa phải được quy hoạch theo vùng, tuyến chiến lược vừa phải đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của ngành.

 

 

Kho dự trữ giống lúa, ngô của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

 

Lãnh đạo Tổng cục DTNN kiểm tra kho dự trữ khí tài phòng chống vũ khí hóa học của Quân đội

 

Gắn liền với quá trình hiện đại hóa hệ thống kho, công tác nghiên cứu áp dụng các thành tựu khoa học triển khai công nghệ bảo quản tiên tiến được đặc biệt chú trọng. Ngành Dự trữ Nhà nước đã và đang tích cực nghiên cứu, tiếp thu công nghệ bảo quản tiên tiến của nước ngoài để chuyển giao và bảo quản hàng dự trữ quốc gia phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đặc biệt, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để đưa vào áp dụng chuyển giao công nghệ bảo quản của Trung Quốc tại kho Hòa Khương và Mông Hóa.

 

Kho dự trữ Trà Nóc – Cục DTNN khu vực Tây Nam Bộ theo công nghệ bảo quản tiên tiến

 

- Chủ động, sẵn sàng xuất cấp hàng dự trữ quốc gia góp phần đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh: Trong một số năm gần đây, thực hiện mục tiêu của DTQG, nguồn lực dự trữ nhà nước chủ yếu tập trung sử dụng cho các nhu cầu về khắc phục hậu quả thiên tai, cứu đói và viện trợ quốc tế. Lực lượng dự trữ quốc gia xuất cấp cho các địa phương trong thời gian qua góp phần tích cực giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn sau lũ lụt, dịch bệnh, những ngày giáp hạt, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, nguồn lực DTQG tham gia thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu khác như: Dự án trồng rừng tại tỉnh Hà Giang và huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa; dự án hỗ trợ gạo cho học sinh đang theo học tại khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, Dự trữ Nhà nước còn thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả viện trợ cho nhân dân nước các nước để ứng phó với thiên tai. Năm 2008, xuất cứu trợ 48.500 tấn gạo; viện trợ Cu-ba 300 tấn gạo; năm 2009, xuất cứu trợ 63.580 tấn gạo, viện trợ 6.000 tấn gạo cho Cu - ba và Triều Tiên; năm 2010, xuất cứu trợ 81.500 tấn gạo; viện trợ Triều Tiên 500 tấn gạo; năm 2011, xuất cứu trợ 71.800 tấn gạo; viện trợ 1.000 tấn gạo cho Mông Cổ và 200 tấn gạo cho Triều Tiên; năm 2012, xuất cứu trợ 42.200 tấn gạo, viện trợ Triều Tiên 5.000 tấn gạo và trong 6 tháng đầu năm 2013, đã xuất cứu trợ 44.500 tấn gạo. Cùng với đó, hàng năm, lực lượng hàng DTQG còn xuất cấp hàng ngàn nhà bạt, phao áo, phao tròn cứu sinh; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất hàng trăm triệu liều vắc-xin phòng chống dịch bệnh, hàng chục ngàn tấn giống cây trồng các loại, hàng trăm ngàn lít thuốc sát trùng để phòng và dập dịch; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xuất hàng dự trữ để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng bảo vệ biên giới và hải đảo của Tổ quốc; thực hiện nhiệm vụ an ninh, bảo vệ trong các ngày Lễ lớn của dân tộc.

 

Đoàn xe cứu trợ của Tổng cục DTNN

 

Tổng cục DTNN viện trợ gạo cho nhân dân Triều Tiên

 

Để đạt được những kết quả đó, chúng ta thấy được những đóng góp to lớn, quý báu của cán bộ, công chức, viên chức ngành Dự trữ Nhà nước, không ngại khó khăn gian khổ đã âm thầm hy sinh, đóng góp công sức của mình cho sự bình yên, ấm no của nhân dân cả nước.

- Tăng cường công tác hợp tác quốc tế về Dự trữ Nhà nước: Nhằm tăng cường sự hợp tác quốc tế về mọi mặt, trong những năm gần đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã tổ chức các đoàn cán bộ đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm về công tác quản lý hàng dự trữ, xây dựng cơ chế chính sách về Dự trữ Nhà nước và trao đổi kinh nghiệm về công nghệ bảo quản các chủng loại hàng dự trữ; hợp tác, nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ bảo quản trong công tác quản lý hàng dự trữ tại một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Indonexia, Malaisia...Đồng thời, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng đã tiếp đón các đoàn đại biểu tới khảo sát công tác DTQG Việt Nam và làm việc tại Tổng cục như: Trung tâm Nghiên cứu Misubishi (Nhật Bản), Tổng Công ty Dự trữ Lương thực Trung Quốc, Cục Lương thực Quốc gia Trung Quốc, Công ty Lương thực Beras (Malaisia), đại diện các Bộ, ngành thuộc Chính phủ Camphuchia...

Đặc biệt, để triển khai chương trình hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Lào về lĩnh vực Dự trữ Nhà nước. Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã tích cực trao đổi, nghiên cứu, hỗ trợ Bộ Tài chính Lào xây dựng bộ máy Dự trữ quốc gia. Đến nay, Vụ Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính Lào đã được thành lập và đi vào hoạt động. Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang tiếp tục giúp bạn Lào xây dựng cơ chế chính sách như: Xây dựng Nghị định của Chính phủ về ban hành quy chế quản lý hoạt động dự trữ Nhà nước Lào, Chiến lược phát triển Dự trữ quốc gia Lào đến năm 2020, Đề án xây dựng kho dự trữ và trao đổi với bạn về các kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực dự trữ hàng lương thực, cứu hộ, cứu nạn, xăng dầu.

 

Đoàn Tổng cục DTNN  khảo sát tại Trung tâm Bưu điện của thành phố Brisbane –Australia

 

Đoàn chuyên gia của  Tổng cục DTNN làm việc với Bộ Tài chính Lào

 

- Công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa ngành: Trong thời gian qua, triển khai chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính công tác cải cách hành chính, hiện đại hoá của ngành Dự trữ Nhà nước đã đạt những kết quả đáng khích lệ: Cơ quan Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã triển khai áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trong công tác quản lý hành chính và đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cấp Giấy chứng nhận số 0721/2013 công nhận phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin từ cấp Tổng cục, Cục DTNN KV cho đến các Chi cục DTNN, đảm bảo thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Tổng cục và tác nghiệp của cán bộ, công chức dự trữ quốc gia.

- Nâng cao năng lực cán bộ, công chức Dự trữ Nhà nước: Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng”, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đặc biệt chú trọng tới công tác tổ chức cán bộ. Trong những năm qua, Tổng cục đã không ngừng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị vững vàng, tận tụy, yêu ngành, yêu nghề, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, từng bước nâng cao năng lực công tác để ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Với sự cố gắng phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong 57 năm qua, ngành Dự trữ Nhà nước đã được Chủ Tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, như Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động, Chiến sỹ thi đua toàn quốc, cờ Thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ, Chiến sỹ thi đua ngành Tài chính, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính...Những thành tích vẻ vang đó là nguồn động viên rất lớn về tinh thần, tạo động lực để ngành Dự trữ Nhà nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đổi mới và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; đã góp phần tô điểm thêm những thành tích vẻ vang của ngành Dự trữ Nhà nước nói riêng và của toàn ngành Tài chính nói chung.

Nhìn lại những chặng đường đã qua, cán bộ, công chức ngành Dự trữ Nhà nước rất tự hào, phấn khởi, sau 57 năm hoạt động, ngày nay chúng ta đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế - xã hội đất nước, được nhân dân cả nước biết và tin yêu. Đó chính là nhờ sự đóng góp hy sinh thầm lặng, sự phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ công chức, người lao động ngành Dự trữ Nhà nước. Và có lẽ bởi, những người làm nghề Dự trữ đã thấm nhuần câu nói “Tích cốc phòng cơ”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, để mỗi khi đồng bào gặp đói nghèo, gặp thiên tại, dịch bệnh cán bộ, công chức ngành Dự trữ Nhà nước không quản ngại mưa nắng, ngày đêm, dù cho giao thông bị chia cắt vẫn sẵn sàng, khẩn trương xuất cấp hàng DTQG đến với người dân kịp thời, đảm bảo không để người dân trong những ngày gặp thiên tai bị đứt bữa, đảm bảo khi xuân về Tết đến bếp của người dân trong những vùng đặc biệt khó khăn luôn đỏ lửa. Thật vui sao khi tin báo rằng hàng DTQG đã được cấp phát đến tận tay người dân trong những ngày Tết truyền thống dân tộc hoặc những ngày mưa bão, lũ lụt…

Để phát huy những truyền thống tốt đẹp của ngành hơn nửa thế kỷ qua, mỗi cán bộ, công chức ngành Dự trữ Nhà nước nguyện không ngừng hoàn thiện bản thân để trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực, trình độ và chuyên môn nghiệp vụ, khắc phục mọi khó khăn gian khổ; phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước tin yêu giao phó.

 

 

Một số hình ảnh của Tổng cục Dự trữ Nhà nước

 

Cục Lương thực Quốc gia Trung Quốc sang thăm và làm việc với Tổng cục DTNN.

 

Tổng cục DTNN tiếp Đoàn tư vấn Trung tâm Nghiên cứu Mitsubishi của Nhật Bản

 

 

Giấy chứng nhận ISO

                            

               Nguyễn Thị Hảo - Văn phòng Tổng cục DTNN.



Các tin đã đưa ngày: