Tổng cục Dự trữ Nhà nước: Quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng hệ thống kho

(20/06/2013)

TS. Phạm Phan Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) cho biết: Triển khai thực hiện Quyết định 94/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTNN đến năm 2020” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Dự trữ quốc gia (DTQG) trong giai đoạn hiện nay.

 

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng

 

Phóng viên: Thưa Tổng cục trưởng, xin ông cho biết, việc quy hoạch và đầu tư hệ thống kho DTQG đến năm 2020 có ý nghĩa như thế nào trong việc thực hiện các mục tiêu của DTQG?

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng: Hệ thống kho là cơ sở vật chất kỹ thuật cơ bản và chủ yếu của ngành DTQG. Trong hơn 50 năm qua cùng với sự hình thành và phát triển của ngành, hệ thống kho dự trữ cũng đã được từng bước quan tâm đầu tư xây dựng, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, mạng lưới kho dự trữ hiện nay bộc lộ nhiều hạn chế. Các điểm kho nhỏ lẻ phân tán, công nghệ bảo quản lạc hậu; trang thiết bị kho thô sơ, phân bổ lực lượng chưa hợp lý trên các vùng, nơi thừa, nơi thiếu; chưa đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ trong các tình huống đột xuất, cấp thiết của Nhà nước. Một trong những nguyên nhân hạn chế trên là do từ trước đến nay, việc đầu tư xây dựng kho dự trữ chưa theo một quy hoạch tổng thể của toàn bộ hệ thống.

Nhằm triển khai các nghị quyết của Đảng về DTQG trong giai đoạn công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và cụ thể hóa chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đòi hỏi ngành DTQG phải từng bước đầu tư xây dựng một hệ thống kho dự trữ đồng bộ, hiện đại, được bố trí theo vùng, khu vực chiến lược, phù hợp điều kiện kinh tế - quốc phòng, an ninh của vùng lãnh thổ; khắc phục những tồn tại, hạn chế của hệ thống kho hiện nay, phù hợp công nghệ mới trong bảo quản, hiện đại hóa việc nhập, xuất và quản lý hàng hóa; tăng cường hiệu quả của hoạt động DTQG. Đây là những đòi hỏi khách quan có ý nghĩa quan trọng và hết sức cần thiết nhằm đáp ứng tốt nhất các nhiệm vụ chính trị của ngành; góp phần quan trọng cho sự đảm bảo phát triển bền vững của đất nước.

 

 

Việc đầu tư hệ thống kho DTQG đáp ứng mục tiêu của chiến lược là hết sức cấp thiết

 

Phóng viên: Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG sẽ triển khai xây dựng và phê duyệt  quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTQG của mình. Xin Tổng cục trưởng cho biết hệ thống này phát triển thế nào?

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng: Trên cơ sở quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phê duyêt quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTQG của từng bộ, ngành, làm căn cứ đầu tư xây dựng kho DTQG trong từng giai đoạn. Quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTQG của từng bộ, ngành đã được cụ thể hóa từng điểm kho với qui mô công suất, cơ cấu hàng dự trữ, công nghệ bảo quản, nhu cầu sử dụng đất, vốn đầu tư và thứ tự ưu tiên đầu tư của từng dự án theo 2 giai đoạn thực hiện: Giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020.

Trong quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTQG cũng có các phương án thực hiện chi tiết cho từng điểm kho hiện còn phù hợp với quy hoạch sẽ cải tạo mở rộng nâng cấp; những điểm kho không còn phù hợp sẽ thanh lý hoặc chuyển mục đích sử dụng và  những điểm kho xây dựng mới với phương án sắp xếp lại nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động trong quá trình thực hiện quy hoạch.

Sau khi thực hiện giai đoạn 2011 - 2015, căn cứ vào tình hình thực tế và căn cứ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 để rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giai đoạn 2016 - 2020 cho phù hợp với yêu cầu của tình hình trong giai đoạn mới. Đến nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 403/QĐ-BTC ngày 10/6/2013 phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống kho DTNN thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước đến năm 2020.

Phóng viên: Việc huy động các nguồn lực để tăng cường vốn đầu tư xây dựng hệ thống kho DTQG theo quy hoạch đã được phê duyệt là nội dung được ưu tiên hàng đầu. Vậy, đến thời điểm này, ngành DTQG đã triển khai cụ thể như thế nào? Những định hướng trong thời gian tới, thưa Tổng cục trưởng?

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng: Hàng năm, ngân sách nhà nước bố trí cho mua hàng DTQG đều có tăng; trong đó, bố trí vốn xây dựng kho cũng từng bước được cải thiện. Đến nay, một số kho DTQG thuộc Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã được đầu tư xây dựng mới theo hướng: bố trí tập trung, với công suất lớn, công nghệ bảo quản tiên tiến, hiện đại, cơ giới hóa trong quá trình nhập, xuất (như kho lương thực, kho vật tư thiết bị tìm kiếm cứu nạn và kho muối…). Hệ thống kho của các bộ, ngành đã từng bước được NSNN bố trí để đầu tư sửa chữa, nâng cấp và áp dụng công nghệ bảo quản mới.

Trong thời gian tới, việc đầu tư hệ thống kho DTQG đáp ứng mục tiêu của chiến lược là hết sức cấp thiết. Vì vậy, để thực hiện xã hội hoá đối với hoạt động DTQG, ngành DTNN đề nghị Chính phủ cho phép tạo cơ chế huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kho, như: Cho phép thanh lý tài sản và các điểm kho hiện có của ngành nhưng không thuộc diện quy hoạch để tạo nguồn vốn tái đầu tư xây dựng kho mới.

Theo quy định của Luật DTQG, Chính phủ sẽ ban hành một số chính sách huy động nguồn lực, khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động DTQG dưới các hình thức như: cho phép áp dụng hình thức BT trong việc xây dựng hệ thống kho DTQG; cho phép sử dụng từ nguồn phát hành trái phiếu chính phủ để xây dựng hệ thống kho; cho phép sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để đầu tư xây dựng hệ thống kho DTNN đối với các dự án xây dựng kho dự trữ cho nhóm hàng đảm bảo an sinh xã hội (xăng dầu, dầu thô…).

 

Phóng viên: Xin cảm ơn Tổng cục trưởng!

 

 

Cấp hàng dự trữ hỗ trợ đồng bào lũ lụt

 

                           Thời báo Tài chính Việt Nam



Các tin đã đưa ngày: